Ngày 01/7/2025, Chính phủ và Bộ Tài chính đã lần lượt ban hành Nghị định 181/2025/NĐ-CP (“Nghị định 181”) và Thông tư 69/2025/TT-BTC (“Thông tư 69”) nhằm hướng dẫn thi hành Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2024. Đây là hai văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất cho việc áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng (“GTGT”) trong giai đoạn mới. Bài viết này sẽ điểm qua một số nội dung nổi bật doanh nghiệp cần lưu ý để kịp thời rà soát, điều chỉnh hoạt động kế toán – thuế và bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.
1. Giao dịch từ 5 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Theo quy định tại Nghị định 181, các cơ sở kinh doanh bắt buộc phải sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 05 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng thì mới đủ điều kiện được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp không đáp ứng điều kiện này, cơ sở kinh doanh sẽ không được hưởng khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Quy định này cũng áp dụng tương tự trong việc xác định chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, các khoản chi không có đủ hoá đơn, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật cũng sẽ không được xác định là chi phí được trừ.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một người nộp thuế có giá trị dưới 05 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 05 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Điều chỉnh đối tượng không chịu thuế GTGT
Nghị định 181 đã bổ sung, làm rõ chi tiết một số đối tượng được xác định là không chịu thuế GTGT, bao gồm:
+ Đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa chế biến: Mở rộng khái niệm “sơ chế thông thường” với danh mục công đoạn rất chi tiết (ví dụ: hồ hạt, đánh bóng hạt, ngâm dung dịch, chia tách, cán mỏng,...) các trường hợp khác sẽ được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định chi tiết.
+ Quy định về bán nợ đã được xác định chi tiết cụ thể hơn so vớ quy định cũ, bao gồm: Bán nợ bao gồm bán khoản phải trả và khoản phải thu, bán chứng chỉ tiền gửi giữa người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.
+ Đối với hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng công trình bằng vốn nhân dân: Xác định rõ điều kiện:
- Vốn từ nhân dân hoặc viện trợ nhân đạo từ 50% trở lên: Được xác định là công trình không chịu thuế.
- Nếu < 50%: toàn bộ công trình thuộc đối tượng chịu thuế.
Quy định này đã xác định rõ ràng hơn về thế nào là “công trình phục vụ công cộng”, đối tượng chính sách xã hội, nguồn vốn nhân dân bao gồm: cả tài trợ, đóng góp bằng tiền, hiện vật.. Trước đây chỉ mô tả chung, không phân định rõ tỷ lệ.
+ Về các dịch vụ tài chính, ngân hàng và chứng khoán, quy định mới đã phân loại cụ thể từng hình thức. Ngoài dịch vụ cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, quy định còn bao gồm cả dịch vụ cho vay của các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng, các hình thức kinh doanh chứng khoán như tư vấn, môi giới, quản lý danh mục, cũng như giao dịch phái sinh (hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi…).
+ Dịch vụ tang lễ cũng được quy định rõ hơn. Không chỉ ghi nhận chung chung như trước, quy định mới liệt kê rõ từng loại hình dịch vụ như cho thuê nhà tang lễ, xe tang, vận chuyển mộ, chăm sóc mộ,… với điều kiện bắt buộc là phải do đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ tang lễ thực hiện thì mới thuộc diện không chịu thuế.
+ Đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề, quy định mới bổ sung rằng các khoản thu hộ, chi hộ cho học sinh, sinh viên cũng không chịu thuế GTGT.
+ Về chuyển giao công nghệ và chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, trường hợp hợp đồng chuyển giao kèm theo máy móc, thiết bị thì phải tách riêng giá trị công nghệ và giá trị thiết bị để xác định phần không chịu thuế. Nếu không tách được, toàn bộ giá trị hợp đồng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế. Đây là hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng hơn so với quy định cũ.
+ Đối với hàng hóa viện trợ, quà tặng, tài sản miễn trừ ngoại giao, quy định mới đã hướng dẫn cụ thể từng tình huống: từ quà biếu, tặng của tổ chức cho cá nhân, đến hành lý, tài sản di chuyển, và tiêu chuẩn miễn trừ. Các điều kiện cần có như văn bản xác nhận, định mức miễn thuế cũng được quy định rõ.
+ Về hàng hóa và dịch vụ liên quan đến khu phi thuế quan, quy định mới làm rõ các giao dịch không chịu thuế, bao gồm cả hàng hóa từ nước ngoài được vận chuyển thẳng vào khu phi thuế quan để cho thuê tài chính, cũng như các giao dịch giữa khu phi thuế quan với nước ngoài hoặc với khu phi thuế quan khác.
3. Làm rõ điều kiện áp dụng thuế suất 0% và 5%
Nghị định 181 và Thông tư 69 hướng dẫn về thuế suất 0% và 5% áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Luật thuế GTGT 2024, có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, có hợp đồng xác lập giao dịch và các điều kiện khác phù hợp với từng loại mặt hàng, dịch vụ. Cụ thể:
+ Đối với thuế suất 0%: Thuế suất 0% áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ được xuất khẩu (ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan) và tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam, kèm theo đủ điều kiện chứng từ theo quy định, như sau:
Nhóm đối tượng |
Điều kiện bắt buộc |
Hàng hóa xuất khẩu |
Hợp đồng, thanh toán không dùng tiền mặt, tờ khai hải quan |
Dịch vụ xuất khẩu (chung) |
Hợp đồng cung cấp dịch vụ + thanh toán không dùng tiền mặt |
Vận tải quốc tế |
Vé/chứng từ vận chuyển quốc tế + thanh toán không dùng tiền mặt |
Ngành hàng không/hàng hải |
Yêu cầu cung cấp dịch vụ từ tổ chức nước ngoài + thanh toán không dùng tiền mặt |
Lưu ý: Một số trường hợp không yêu cầu hợp đồng nếu dịch vụ phát sinh không thường xuyên, như phí sân bay quốc tế.
+ Đối với thuế suất 5%: Áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, đời sống dân sinh, đã qua sơ chế hoặc sản xuất trong nước.
4. Thời điểm xác định thuế GTGT
STT |
Đối tượng hàng hóa |
Thời điểm xác định thuế GTGT |
1. |
Hàng hóa xuất khẩu |
Do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan |
2. |
Hàng hóa nhập khẩu |
Là thời điểm xác định thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu |
Dịch vụ viễn thông |
||
3. |
Đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng) phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ |
Thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng chậm nhất không quá 02 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối |
4. |
Đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng) được cung cấp theo kỳ nhất định |
Thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên (trừ trường hợp nêu tại điểm a khoản này) nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước theo thỏa thuận giữa các bên. |
5. |
Đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng) được cung cấp thông qua bán thẻ trả trước , thu cước phí hòa mạng |
Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm bán thẻ trả trước, thu cước phí hòa mạng |
Dịch vụ bán điện |
||
6. |
Hoạt động bán điện của các công ty phát điện trên thị trường điện |
Được xác định căn cứ thời điểm về đối soát số liệu thanh toán giữa đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và đơn vị mua điện theo quy định của Bộ Công Thương hoặc hợp đồng mua bán điện đã được Bộ Công Thương hướng dẫn, phê duyệt nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về quản lý thuế |
7. |
Hoạt động bán điện của các công ty phát điện có cam kết bảo lãnh của Chính phủ về thời điểm thanh toán |
Căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ, hướng dẫn và phê duyệt của Bộ Công Thương và các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa bên mua điện và bên bán điện. |
8. |
Hoạt động bán điện khác |
Là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp điện hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước theo thỏa thuận giữa các bên. |
9. |
Hoạt động cung cấp nước sạch |
Thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp nước hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước theo thỏa thuận các bên. |
10. |
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm |
Thời điểm ghi nhận doanh thu bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm |
11. |
Hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê |
Trường hợp đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp chưa chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng mà có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng: là ngày thu tiền hoặc theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng. |
12. |
Hoạt động xây dựng, lắp đặt bao gồm cả đóng tàu |
Thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành hay phần công việc thực hiện bàn giao, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. |
13. |
Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô |
là thời điểm bên mua và bên bán xác định được giá bán chính thức, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền |
14. |
Hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than được chuyển bằng đường ống dẫn khí đến người mua |
là thời điểm bên mua, bên bán xác định khối lượng khí giao của tháng nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về quản lý thuế. |
5. Đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ thuế
a. Cơ sở kinh doanh có doanh thu từ 01 tỷ đồng trở lên (trừ hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh):
- Cách xác định doanh thu hằng năm:
+ Dựa vào tổng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT” trên:
- Tờ khai thuế GTGT tháng: từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 10 năm hiện tại.
- Hoặc tờ khai thuế GTGT quý: từ quý IV năm trước đến hết quý III năm hiện tại.
+ Thời gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế: 02 năm liên tục.
- Trường hợp cơ sở mới thành lập trong năm
+ Doanh thu ước tính = (Doanh thu các tháng hoạt động trên tờ khai thuế GTGT / số tháng hoạt động) × 12 tháng.
+ Kết quả của doanh thu ước tính khi áp dụng công thức:
- Từ 01 tỷ trở lên: áp dụng phương pháp khấu trừ.
- Dưới 01 tỷ: áp dụng phương pháp trực tiếp trong 2 năm, trừ khi tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ.
- Trường hợp tạm nghỉ sản xuất, kinh doanh
- Nghỉ cả năm: xác định doanh thu theo năm trước đó.
- Nghỉ một phần trong năm: xác định theo số tháng/quý thực tế hoạt động (tương tự quy định đối với trường hợp cơ sở mới thành lập trong năm nêu trên.)
b. Cơ sở tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ (trừ hộ, cá nhân), bao gồm:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã... có doanh thu dưới 01 tỷ
- Đã thực hiện đầy đủ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ.
- Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của doanh nghiệp đang nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
- Doanh nghiệp mới thành lập thực hiện đầu tư theo dự án được phê duyệt.
- Doanh nghiệp mới thành lập có dự án đầu tư không cần phê duyệt nhưng có quyết định đầu tư nội bộ.
- đ) Doanh nghiệp mới thành lập có đầu tư, mua sắm, góp vốn bằng: Tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.
- Tổ chức nước ngoài, cá nhân ở nước ngoài cư trú tại Việt Nam có doanh thu phát sinh tại Việt Nam.
- Tổ chức kinh tế khác (không bao gồm doanh nghiệp, HTX) có thể hạch toán thuế GTGT đầu vào, đầu ra.
c. Nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí cung cấp hàng hóa/dịch vụ cho hoạt động tìm kiếm, khai thác dầu khí: Thuế GTGT được bên Việt Nam khai, khấu trừ, nộp thay theo phương pháp khấu trừ.
d. Chi nhánh mới thành lập của doanh nghiệp đang áp dụng phương pháp khấu trừ, nếu khai thuế GTGT riêng thì áp dụng cùng phương pháp với công ty mẹ.
6. Các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT
Những trường hợp không đáp ứng được nguyên tắc và điều kiện khấu trừ thuế GTGT theo quy định tại Luật thuế GTGT 2024, Nghị định 181 và các hóa đơn, chứng từ được lập từ các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 13 Luật thuế GTGT 2024 thì không được khấu trừ thuế GTGT. Điều kiện và nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT:
- Không có hóa đơn GTGT, chứng từ nộp thuế đúng quy định
Nghị định 181 quy định cơ sở kinh doanh phải có hóa đơn giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Luật Thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ % nhân với doanh thu thay cho phía nước ngoài).
- Không thực hiện thanh toán đúng quy định:
Cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 05 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
- Đầu ra không chịu thuế GTGT thì đầu vào không được khấu trừ:
7. Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu sang nước khác không được hoàn thuế
Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nếu trong tháng hoặc quý có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên, thì được xem xét hoàn thuế theo tháng hoặc quý. Tuy nhiên, không áp dụng hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu rồi xuất khẩu sang nước khác, trừ khi đó là nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Hàng hóa nhập – xuất không được hoàn thuế bao gồm: hàng do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu rồi xuất khẩu, hoặc ủy thác xuất khẩu, nếu không qua khâu sản xuất/gia công trong nước. Ngoài ra, số thuế GTGT được hoàn tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trong kỳ không vượt quá 10% doanh thu xuất khẩu tương ứng.
8. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp hàng hóa, dịch vụ đặc thù
Nghị định 181 đã bổ sung rõ ràng và chi tiết các điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp xuất khẩu đặc thù, như: xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử nước ngoài, xuất khẩu từ kho ngoại quan ở nước ngoài, bán hàng tại hội chợ quốc tế, hoặc cung cấp sản phẩm nội dung số ra nước ngoài. So với quy định trước đây, điểm mới nổi bật là việc lần đầu tiên ghi nhận đầy đủ các yêu cầu hồ sơ chứng minh hoạt động xuất khẩu thực tế đối với các hình thức xuất khẩu phi truyền thống, như: hợp đồng với sàn giao dịch, chứng từ giao nhận, phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm (nếu có), và đặc biệt là quy định chặt chẽ hơn về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ hậu quả khi không đáp ứng đầy đủ điều kiện: không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không phải tính thuế đầu ra, riêng với hàng gia công chuyển tiếp không đủ điều kiện sẽ phải tính và nộp thuế như tiêu thụ nội địa. Đây là bước tiến quan trọng nhằm hạn chế gian lận thuế trong hoạt động xuất khẩu, đồng thời tăng tính minh bạch và phù hợp với thực tiễn thương mại điện tử và hoạt động xuất khẩu đa dạng hiện nay.
Nghị định 181 và Thông tư 69 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Bình luận: