Với định hướng giao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong trả lương, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường, thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển, vừa qua, ngày 28/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2025/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước (“DNNN”) (“Nghị định 44”).
Dưới đây ATA Legal Services đã cập nhật một số nội dung thay đổi quan trọng, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc quản lý tiền lương linh hoạt, gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh
Nghị định 44 đã quy định rõ, tiền lương được xác định gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phù hợp mặt bằng thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.
Đồng thời, căn cứ quy định pháp luật về lao động, việc làm, Điều lệ hoạt động và chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, DNNN được tự quyết định thang lương, bảng lương, không giới hạn mức tối đa với chuyên gia và nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Ngoài ra, Nghị định 44 cũng làm rõ hơn nguyên tắc xác định việc loại trừ và các yếu tố khách quan để được loại trừ khi tính tiền lương như chính sách Nhà nước, thị trường, … .
Như vậy, so với các quy định cũ, Nghị định 44 đã trao quyền tự chủ lớn hơn cho các DNNN trong việc xây dựng tiền lương, đồng thời, bổ sung và làm rõ thêm cơ chế loại trừ các yếu tố khách quan khác để đảm bảo công bằng, từ đó, giúp DNNN linh hoạt cạnh tranh trên thị trường lao động, đặc biệt là trong việc thu hút nhân tài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
2. Bổ sung phương pháp xác định quỹ tiền lương mới
Nghị định 44 đã quy định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp sau:
(i) Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân;
(ii) Xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định (tối thiểu 2 năm, tối đa 5 năm) theo quy định.
Theo đó, so với quy định cũ, Nghị định mới đã bổ sung phương pháp xác định quỹ lương theo đơn giá tiền lương ổn định nêu trên. Phương pháp đơn giá tiền lương ổn định là cơ chế mới, tăng tính ổn định và dự đoán cho quỹ lương, đồng thời gắn chặt với hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNN. Theo đó, quỹ tiền lương theo phương pháp này được quy định tăng/giảm theo lợi nhuận, cụ thể hóa hơn so với các quy định cũ, như sau:
- Tăng tối đa 2% quỹ lương khi lợi nhuận vượt 1%, nhưng không quá 20% lợi nhuận vượt kế hoạch và 02 tháng lương bình quân xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện theo quy định;
- Giảm tương ứng khi lợi nhuận thấp hơn bình quân, nhưng không thấp hơn quỹ tiền lương tính trên cơ sở số lao động bình quân thực tế sử dụng và mức tiền lương chế độ theo quy định;
- Doanh nghiệp không có lợi nhuận/lỗ/giảm lỗ: tính quỹ tiền lương dựa trên lao động thực tế và mức độ giảm lỗ.
Về việc áp dụng phương pháp xác định quỹ tiền lương, Nghị định 44 cũng nêu rõ, doanh nghiệp có thể quyết định lựa chọn một trong hai phương pháp xác định quỹ tiền lương nêu trên tùy theo nhiệm vụ, tính chất ngành nghề, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp có nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau và có thể tách bạch các chỉ tiêu lao động, tài chính để tính năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động thì được lựa chọn phương pháp phù hợp trong 2 phương pháp trên để xác định quỹ tiền lương tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động. Quy định mới này nhằm tạo sự linh hoạt cho các DNNN, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều mảng kinh doanh khác nhau.
3. Xác định quỹ tiền lương riêng đối với lao động công nghệ cao
Nhằm thu hút, khuyến khích, duy trì sử dụng lao động công nghệ cao, tiền lương của đối tượng lao động công nghệ cao như người lái máy bay, công nghệ số, AI,… theo quy định của Luật Công nghệ cao được tách riêng, dựa trên mặt bằng tiền lương trên thị trường, nhưng phải bảo đảm không làm giảm lợi nhuận so với thực hiện của năm trước liền kề. Trường hợp xác định đơn giá tiền lương ổn định thì không làm giảm lợi nhuận so với lợi nhuận bình quân.
4. Thay đổi cách xác định mức lương cơ bản của các chức danh quản lý trong doanh nghiệp nhà nước
Đối với Thành viên Hội đồng, Kiểm soát viên, mức lương cơ bản đối với từng chức danh quản lý: Chủ tịch Hội đồng Thành viên (Chủ tịch Công ty), Thành viên Hội đồng, Trưởng Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên dao động từ 25 đến 80 triệu đồng/tháng (theo quy định hiện hành, mức lương cơ bản chung tối đa là 36 triệu đồng/tháng).
BẢNG MỨC LƯƠNG CƠ BẢN
Đơn vị: triệu đồng/tháng
Mức lương cơ bản Chức danh |
Nhóm I |
Nhóm II |
||||||
Mức 1 |
Mức 2 |
Mức 3 |
Mức 4 |
Mức 1 |
Mức 2 |
Mức 3 |
Mức 4 |
|
1. Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Chủ tịch Hội đồng quản trị |
80 |
70 |
62 |
53 |
48 |
42 |
36 |
31 |
2. Trưởng Ban kiểm soát |
66 |
58 |
51 |
44 |
40 |
35 |
30 |
26 |
3. Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên |
65 |
57 |
50 |
43 |
39 |
34 |
29 |
25 |
Hàng năm, DNNN sẽ căn cứ vào chỉ tiêu sản xuất kinh doanh kế hoạch để xác định mức lương kế hoạch của từng thành viên hội đồng, kiểm soát viên. Mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 2 lần lương cơ bản nếu đạt kế hoạch.
Còn tiền lương của Ban điều hành sẽ được tính chung với người lao động theo quy chế trả lương do doanh nghiệp ban hành, trong đó, mức lương tối đa của Tổng giám đốc/Giám đốc không vượt quá 10 lần lương bình quân của người lao động trong doanh nghiệp.
Trong trường hợp Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc/Giám đốc thì sẽ được hưởng lương theo chức danh Chủ tịch Công ty.
5. Quy định cụ thể mức tiền thưởng tối đa của người lao động tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là “DNNN trên 50% vốn”)
Cụ thể, Nghị định 44 quy định rõ tiền thưởng của người lao động trong DNNN trên 50% vốn là tối đa 3 tháng tiền lương nếu lợi nhuận đạt kế hoạch. Đối với ban điều hành, thành viên hội đồng, kiểm soát viên, tiền thưởng tối đa 2 tháng lương. Nghị định cũng nêu rõ, không dùng quỹ thưởng của người lao động để thưởng cho Ban điều hành, Thành viên Hội đồng, Kiểm soát viên.
Còn đối với người lao động, ban điều hành, thành viên hội đồng, kiểm soát viên tại các DNNN nắm giữ 100% vốn thì quỹ khen thưởng được xác định theo quy định của Chính phủ. Quỹ tiền thưởng của người lao động được trích từ quỹ khen thưởng, phúc lợi và phân bổ theo quy chế của doanh nghiệp. Đối với ban điều hành, thưởng dựa trên mức độ đóng góp và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Nhìn chung, Nghị định 44 đã hợp nhất nhiều quy định rải rác tại các nghị định cũ và sửa đổi một số quy định có liên quan và được kỳ vọng là bước tiến lớn trong quản lý DNNN, giúp tăng quyền tự chủ, linh hoạt điều chỉnh tiền lương theo hiệu quả, đồng thời, giúp người lao động được đảm bảo quyền lợi, đặc biệt là với nhóm lao động công nghệ cao.
Nghị định 44 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2025.
Bình luận: