NGHỊ ĐỊNH 53/2024/NĐ-CP - NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

NGHỊ ĐỊNH 53/2024/NĐ-CP - NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

2024-05-24 19:42:31 313

Luật Tài nguyên nước 2023 đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024. Để đảm bảo những quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 nhanh chóng được thi hành trên thực tiễn, ngày 16/05/2024, Chính phủ ban hành 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (“Nghị định 53”). Nghị định 53 thay thế quy định tại các Nghị định gồm:

  • Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi;
  • Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01/12/2008 về quản lý lưu vực sông;
  • Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước (“Nghị định 43”);
  • Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất (“Nghị định 167”).

Trong phạm vi bài viết này, ATA sẽ cập nhật những nội dung quan trọng của Nghị định 53 có ảnh hưởng, tác động đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nước.

1. Quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành

Luật Tài nguyên nước 2012 quy định Quy hoạch tài nguyên nước gồm: Quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước, Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh và Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - là một loại quy hoạch độc lập trong hệ thống quy hoạch Việt Nam; điều này tạo ra hệ quả là Quy hoạch tài nguyên nước bị “chồng chéo” với các loại quy hoạch khác. Theo đó, Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 53 điều chỉnh vấn đề trên theo hướng Quy hoạch tài nguyên nước chỉ gồm hai quy hoạch thành phần là Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; đồng thời, Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 53 cũng điều chỉnh tính chất của Quy hoạch tài nguyên nước là một loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch 2017.

2. Phải thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính

Về cơ bản, các quy định của Nghị định 53 về danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được kế thừa quy định tương tự như Nghị định 43, Nghị định 53 chỉ tập trung quy định bổ sung và chi tiết hơn các nội dung của Nghị định 43. Tuy nhiên, Nghị định 53 điều chỉnh một nội dung đáng chú ý so với Nghị định 43 là mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước phải được trên bản đồ địa chính đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính (nghĩa là phải thể hiện chi tiết đến các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan theo đơn vị hành chính cấp xã); trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải được thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất và đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Nghị định 43 quy định ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là chưa bảo đảm được tính chi tiết, rõ ràng.

3. Bổ sung quy định về khoanh vùng cấm khai thác nước dưới đất

Nghị định 167 quy định 04 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và không có vùng cấm khai thác nước dưới đất. Nghị định 53 hướng dẫn các quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 theo hướng bổ sung quy định về vùng cấm khai thác nước dưới đất và thu gọn chỉ còn 02 vùng hạn chế là:

  • Vùng cấm khai thác nước dưới đất được khoanh định đối với khu vực đã xảy ra sụt, lún đất;
  • Vùng hạn chế 1 bao gồm khu vực có nguy cơ sụt, lún đất; khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn.
  • Vùng hạn chế 2 bao gồm khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất.

Ngoài ra, Nghị định 53 cũng quy định về Nguyên tắc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Nguyên tắc áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất. Đối với vùng cấm khai thác nước dưới đất thì cấm toàn bộ hoạt động thăm dò nước dưới đất, xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất (kể cả các công trình đang khai thác có giấy phép theo quy định thì cũng sẽ thực hiện thu hồi giấy phép), bao gồm cả trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình. Theo đó, Nghị định 53 hướng đến việc bảo vệ tối đa nguồn nước dưới lòng đất

4. Quy định danh sách các dự án chuyển nước ra khỏi lưu vực sông phải lấy ý kiến chấp thuận từ Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong thời gian gần đây, các dự án liên quan đến việc khai thác, phân phối, sử dụng đa dạng các nguồn nước thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định các công trình chuyển nước giữa các nguồn nước phải tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, bản chất việc lấy ý kiến theo Nghị định 201/2013/NĐ-CP chỉ đơn thuần là việc “kiến nghị”, mà không phải là việc đạt được “chấp thuận” từ cơ quan có thẩm quyền. Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 53 nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong hoạt động chuyển nước ra khỏi lưu vực sông bằng việc quy định danh mục các dự án chuyển nước phải có ý kiến chấp thuận nội dung của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương án chuyển nước, bao gồm: Dự án ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đời sống của Nhân dân thuộc địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố hoặc 02 quốc gia trở lên:

  • Dự án có hoạt động chuyển nước từ đập, hồ chứa xây dựng trên sông, suối có quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m³/giây trở lên;
  • Dự án có loại hình công trình khác đập, hồ chứa mà có hoạt động chuyển nước từ sông, suối không thuộc vùng triều với quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m³/giây trở lên; từ 10 m³/giây đến dưới 30 m³/giây nhưng vượt quá 40% lưu lượng trung bình mùa kiệt tại vị trí chuyển nước;
  • Dự án có hoạt động đào sông, kênh, mương, rạch, công trình dẫn nước để chuyển nước với quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m³/giây trở lên; từ 10 m³/giây đến dưới 30 m³/giây nhưng vượt quá 40% lưu lượng trung bình mùa kiệt tại vị trí chuyển nước.

Đối với các dự án có hoạt động chuyển nước đang trong quá trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc thẩm định quyết định đầu tư đối với các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công trước ngày 01/07/2024, Nghị định 53 cho phép được tiếp tục thực hiện.

5. Hạch toán tài nguyên nước là thước đo hiệu quả sử dụng tài nguyên nước

Nhằm tằng cường sự quản lý của Nhà nước với tài nguyên nước, từ đó có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, Nghị định 53 hướng dẫn chi tiết quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 về hạch toán tài nguyên nước. Theo đó, hạch toán tài nguyên nước được thực hiện tại cấp quốc gia và lưu vực sông liên tỉnh thuộc danh mục phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Kết quả hạch toán tài nguyên nước được thể hiện qua các chỉ số gồm:

  • Tổng lượng nước mặt, trữ lượng nước dưới đất.
  • Tổng lượng nước khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước.
  • Mức sử dụng nước thực tế cho sinh hoạt, cho từng ngành kinh tế.
  • Tải lượng chất ô nhiễm xả vào nguồn nước phân theo các ngành kinh tế.
  • Hiệu suất sử dụng nước theo ngành kinh tế, theo phạm vi hạch toán, địa phương (đồng/m³); hiệu suất sử dụng nước gia tăng giữa các kỳ hạch toán (đồng/m³).
  • Giá trị đóng góp của tài nguyên nước cho phát triển kinh tế - xã hội theo phạm vi hạch toán, địa phương (m³/đồng); giá trị gia tăng của tài nguyên nước giữa các kỳ hạch toán (m³/đồng).

Theo đó, kết quả hạch toán tài nguyên nước được công bố định kỳ 05 năm một lần trong Báo cáo tài nguyên nước quốc gia. Kết quả này sẽ là một trong những cơ sở để thực hiện và nâng cao hiệu quả trong việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước; xây dựng quy hoạch về tài nguyên nước và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước và việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Nghị định quy định rõ lộ trình xây dựng, hướng dẫn và triển khai hạch toán tài nguyên nước. Theo đó, đến năm 2035, việc hạch toán và công bố kết quả hạch toán tài nguyên nước cho các lưu vực sông liên tỉnh và quốc gia sẽ phải được triển khai theo kỳ hạch toán.

Nghị định 53 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2024./.

 

 

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi