Ngày 08/04/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Đầu tư công (“Nghị định 85”). Theo đó, một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 85 cụ thể như sau:
1. Phân cấp hoặc uỷ quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập tham gia vào phê duyệt dự án đầu tư công
Luật Đầu tư công quy định nguyên tắc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các cơ quan, đơn vị. Theo đó, Nghị định 85 quy định chi tiết về đối tượng và phân quyền cho đơn vị sự nghiệp tham gia vào phê duyệt dự án đầu tư công có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của chính đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như sau:
a) Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư:
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm A, B, C thuộc đơn vị mình quản lý;
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C thuộc đơn vị mình quản lý;
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập khác quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C thuộc đơn vị mình quản lý.
b) Về thẩm quyền quyết định đầu tư
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định đầu tư chương trình, dự án nhóm A, B, C do đơn vị mình quản lý.
- Đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại điểm b khoản này được làm chủ đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng do mình quyết định đầu tư. Đối với dự án có cấu phần xây dựng, việc xác định chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
c) Việc xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư/ quyết định đầu tư cho các chương trình, dự án đầu tư công có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của chính đơn vị sự nghiệp công lập tại cấp trung ương quản lý và cấp địa phương quản lý là tương tự như nhau.
Việc phân quyền này tạo sự chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quyết định đầu tư các dự án, góp phần tăng hiệu quả đầu tư công trên cả nước.
2. Hướng dẫn chi tiết các trường hợp dừng chương trình, dự án đầu tư công
Luật Đầu tư công cho phép dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhưng chưa quy định cụ thể các trường hợp mà chương trình, dự án đầu tư công bị yêu cầu dừng. Theo đó, Nghị định 85 quy định chi tiết các trường hợp dừng chương trình, dự án đầu tư công theo hai nhóm chính, bao gồm:
a) Chương trình, dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được quyết định đầu tư
Về bản chất, đây là các dự án chưa được chính thức triển khai trên thực tiễn, nên Nghị định 85 không quy định các trường hợp cụ thể mà chỉ quy định nguyên tắc là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tự quyết định việc dừng chủ trương đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
b) Chương trình, dự án đã được quyết định đầu tư
Về bản chất, đây là các chương trình, dự án đã có hoạt động triển khai trên thực tiễn, do vậy, các trường hợp dừng được quy định cụ thể gồm
- Đối với Việc tiếp tục thực hiện chương trình, dự án đó gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường;
- Việc dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án đó mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội;
- Do nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện chương trình, dự án mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Quy định trên tạo cơ chế để nâng cao vai trò hoạt động hậu kiểm, giám sát sau đối với các dự án, đảm bảo việc sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả, tránh lãng phí.
Nghị định 85 có hiệu lực thi hành từ ngày 08/04/2025./.
Bình luận: