NGHỊ ĐỊNH 90/2025/NĐ-CP HƯỚNG DẪN VỀ ĐỐI TƯỢNG DOANH NGHIỆP CÓ QUY MÔ LỚN PHẢI KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH HÀNG NĂM

NGHỊ ĐỊNH 90/2025/NĐ-CP HƯỚNG DẪN VỀ ĐỐI TƯỢNG DOANH NGHIỆP CÓ QUY MÔ LỚN PHẢI KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH HÀNG NĂM

2025-04-18 19:23:55 144

Luật sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán độc lập năm 2024 đã bổ sung thêm 1 đối tượng phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, đó là “doanh nghiệp khác có quy mô lớn theo quy định của Chính phủ”. Ngày 14/04/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2025/NĐ-CP (“Nghị định 90”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập, trong đó có làm rõ tiêu chí xác định các doanh nghiệp có quy mô lớn nêu trên đồng thời, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam, cụ thể như sau:​

1. Làm rõ tiêu chí và nguyên tắc xác định doanh nghiệp có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm:

Ngoài các đối tượng đã quy định như doanh nghiệp FDI, tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, v.v., doanh nghiệp phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm khi thuộc diện “doanh nghiệp có quy mô lớn” được xác định theo các tiêu chí và nguyên tắc sau:

a) Tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô lớn:

Doanh nghiệp phải thỏa mãn ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau:

(1) Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân năm > 200 người

(2) Doanh thu năm > 300 tỷ đồng

(3) Tổng tài sản > 100 tỷ đồng.

b) Nguyên tắc xác định các tiêu chí:

  • Số lao động tham gia BHXH bình quân năm = Tổng số lao động tham gia BHXH của tất cả các tháng trong năm trước / 12.

(Lao động được tính tại thời điểm cuối mỗi tháng, dựa trên chứng từ nộp BHXH).

  • Tổng doanh thu năm: Căn cứ trên báo cáo tài chính của năm trước liền kề.
  • Tổng tài sản: Xác định tại thời điểm cuối năm tài chính, cũng dựa trên báo cáo tài chính của năm trước liền kề.

Các doanh nghiệp đạt điều kiện trên trong năm 2024 sẽ bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính từ năm 2025.

Nghị định 90 cũng dự liệu trường hợp doanh nghiệp không đạt đủ tiêu chí trong 2 năm liên tiếp sẽ không còn thuộc diện bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính nữa cho đến khi tiếp tục thoả mãn tiêu chí này. Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động theo dõi và tự xác định các điều kiện để tránh trường hợp vi phạm, bỏ sót thực hiện nghĩa vụ quy định.

2. Gia hạn thời gian kiểm toán viên hành nghề được ký báo cáo kiểm toán cho một đơn vị

Nghị định 90 gia hạn thêm thời gian kiểm toán viên hành nghề được ký báo cáo kiểm toán cho một đơn vị được kiểm toán, là không quá 5 năm liên tục, thay vì không quá 3 năm liên tục như trước đây.

Kiểm toán viên đã ký báo cáo kiểm toán từ trước ngày 01/01/2025 được tiếp tục ký cho đến hết 5 năm cho một đơn vị được kiểm toán.

Quy định gia hạn thời gian kiểm toán viên hành nghề được ký báo cáo kiểm toán lên 5 năm giúp tăng tính ổn định, hiệu quả và tiệm cận với Điều R540.11 của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp quốc tế cho kế toán viên chuyên nghiệp (IESBA Code) – do Ủy ban Chuẩn mực Đạo đức Quốc tế cho Kế toán viên (International Ethics Standards Board for Accountants - IESBA), quy định một kiểm toán viên không được ký báo cáo kiểm toán cho một đơn vị quá 7 năm liên tiếp. Tuy nhiên, cần kiểm soát rủi ro giảm tính độc lập thông qua các biện pháp giám sát, đánh giá chất lượng định kỳ.

Nghị định 90 có hiệu lực từ ngày 14/04/2025.

Bình luận:

Từ khóa: