Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn số 12/2016/ TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn về nội dung chi và quản lý “Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ”, doanh nghiệp được lựa chọn mức trích đóng không quá 10% thu nhập trước thuế trong kỳ vào “Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ” với mục đích phát triển khoa học công nghệ bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường.
Ngày 07 tháng 11 năm 2022, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 67/2022/TT-BTC (“Thông tư 67”) nhằm hướng dẫn về nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp sau khi trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Thông tư 67 có những nội dung đáng chú ý sau đây:
Nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp khi không sử dụng đúng mục đích, không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ khoa học - công nghệ
Theo Khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư 67, trong trường hợp doanh nghiệp không sử dụng Quỹ khoa học đúng mục đích hoặc trong thời hạn 05 năm từ khi lập Quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế như sau:
- Đối với trường hợp không sử dụng Quỹ đúng mục đích, doanh nghiệp phải nộp ngân sách Nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích tương ứng với khoản sử dụng không đúng mục đích và tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó với lãi suất được tính theo quy định của Luật Quản lý thuế.
- Đối với trường hợp trong thời hạn 05 năm từ khi lập Quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích thì phải nộp ngân sách Nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm, đồng thời phải nộp tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó với lãi suất tính tiền lãi là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi và thời gian tính lãi là hai năm.
Các trường hợp được tính và không được trích khấu hao tài sản đối với tài sản cố định liên quan tới Quỹ phát triển khoa học - công nghệ
Trích khấu hao tài sản cố định là một nghiệp vụ quan trọng trong quá trình tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải bất cứ loại hình tài sản cố định nào cũng được trích khấu hao.
Theo Khoản 4, 5 Điều 5 Thông tư 67, việc trích khấu hao tài sản cố định liên quan tới Quỹ phát triển khoa học - công nghệ trong các trường hợp dưới đây được thực hiện như sau:
- Đối với trường hợp tài sản cố định được hình thành từ nguồn Quỹ, chưa hết hao mòn và được sử dụng cho cả hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ không phải tính khấu hao tài sản cố định khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp mà chỉ cần phải theo dõi quản lý theo quy định của Bộ Tài chính.
- Đối với trường hợp tài sản cố định được hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, sau đó được đưa vào quá trình sản xuất, kinh doanh thì giá trị của tài sản cố định tính vào thu nhập khác và giá trị của tài sản cố định đó được trích khấu hao khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thông tư 67 có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 12 năm 2022.
Bình luận: