NHÀ ĐẦU TƯ CHUYỂN NHƯỢNG PHẦN VỐN TẠI DOANH NGHIỆP DỰ ÁN PHẢI ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN NHƯ TRƯỜNG HỢP CHUYỂN NHƯỢNG DỰ ÁN

NHÀ ĐẦU TƯ CHUYỂN NHƯỢNG PHẦN VỐN TẠI DOANH NGHIỆP DỰ ÁN PHẢI ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN NHƯ TRƯỜNG HỢP CHUYỂN NHƯỢNG DỰ ÁN

2024-09-20 22:37:26 128

Ngày 16/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (“Nghị định 115”) để thay thế Nghị định 25/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 31/2021/NĐ-CP) (“Nghị định 25”). Nghị định 115 hướng dẫn chi tiết các quy định của Luật Đấu thầu 2024 với rất nhiều điểm mới so với Nghị định 25. Trong bài viết này, ATA sẽ phân tích những điểm mới đáng chú ý đối với các doanh nghiệp trong quá trình tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất.

1. Nhà đầu tư có nghĩa vụ trả chi phí khi đề nghị giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư

Nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư khi kiến nghị, Nghị định 115 bổ sung quy định cụ thể theo hướng yêu cầu nhà đầu tư phải nộp mức chi phí bằng 0,02% tổng vốn đầu tư của dự án có kiến nghị nhưng không quá 200 triệu đồng.

Trong quá trình kiến nghị, nhà đầu tư rút đơn kiến nghị thì chỉ được nhận lại 50% chi phí đã nộp trong trường hợp chưa thành lập Hội đồng tư vấn hoặc đã thành lập Hội đồng tư vấn nhưng chưa tổ chức họp hội đồng; trường hợp Hội đồng tư vấn đã tổ chức họp hội đồng thì nhà đầu tư không được hoàn trả lại chi phí giải quyết kiến nghị.

Trường hợp kiến nghị của nhà đầu tư là đúng, nhà đầu tư sẽ được hoàn trả lại khoản chi phí trên.

2. Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin văn bản phê duyệt thông tin dự án đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

Trước đây, tại Nghị định 23/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu đã đề cập đến văn bản phê duyệt thông tin dự án đầu tư là một trong những căn cứ lập hồ sơ mời thầu đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định. Tại Nghị định 115, Chính phủ tiếp tục hướng dẫn chi tiết hơn về quy trình xem xét, ban hành văn bản này đối với dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo đó, quy trình, thủ tục và điều kiện ban hành văn bản phê duyệt thông tin dự án có điểm tương đồng với quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo đánh giá của chúng tôi, quy định này chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Đấu thầu hiện hành cũng như các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai; gây khó khăn và tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp khi vẫn phải triển khai thủ tục phê duyệt dự án ngay cả đối với những dự án được pháp luật quy định không phải phê duyệt chủ trương đầu tư.

3. Nhà đầu tư được sử dụng kinh nghiệm của đối tác tham gia thực hiện dự án để tham gia đấu thầu

Đối tác tham gia thực hiện dự án không phải là nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh của nhà đầu tư mà thường sẽ đảm nhận vai trò cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình đầu tư dự án, quản lý dự án, vận hành…. Theo đó, Nghị định 115 tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án khi cho phép sử dụng kinh nghiệm và năng lực của các đối tác tham gia thực hiện dự án để đưa vào hồ sơ và được sử dụng như là cơ sở đánh giá và chấm điểm hồ sơ dự thầu.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, để đảm bảo công bằng trong đấu thầu và tránh việc các nhà đầu tư chưa đủ năng lực, kinh nghiệm lợi dụng quy định để tạo lợi thế cho hồ sơ dự thầu của mình, các nhà làm luật cần làm rõ tỷ lệ hoặc xác định cụ thể số điểm hoặc thước đo đánh giá yếu tố kinh nghiệm của đối tác theo hướng chỉ chiếm một phần nhỏ, thứ yếu trên tổng điểm đánh giá yếu tố kinh nghiệm của nhà đầu tư.

4. Tiêu chí hiệu quả đầu tư có thể chiếm tới 80% tổng điểm đánh giá năng lực của nhà đầu tư

Xét cho cùng, bản chất của việc đấu thầu là để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực nhất nhằm sử dụng đất hiệu quả nhất, đầu tư hiệu quả nhất và đem lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng. Nghị định 25 chưa thực sự quan tâm đến vấn đề về hiệu quả nên Nghị định 115 đã điều chỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng điểm của tiêu chí hiệu quả trong đánh giá hồ sơ dự thầu. Theo đó,

  • Đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn: Điểm hiệu quả sử dụng đất chiếm tỷ trọng từ 40% đến 60% tổng số điểm.
  • Đối với các dự án khác: điểm hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương có thể chiếm tỷ trọng lên đến 80% tổng số điểm.

5. Nhà đầu tư trúng đấu thầu chuyển nhượng cổ phần/ phần vốn góp tại tổ chức kinh tế thực hiện dự án phải đáp ứng điều kiện tương tự trường hợp chuyển nhượng dự án.

Nghị định 115 cho phép nhà đầu tư trúng đấu thầu, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông trong tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập trước khi dự án được khai thác, vận hành nhưng phải đáp ứng các điều kiện tương tự như trường hợp chuyển nhượng dự án:

  • Được người có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở ý kiến đánh giá của bên mời thầu;
  • Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng phải có tư cách pháp lý và đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế…; có năng lực, kinh nghiệm tương ứng với cổ phần, phần vốn góp dự kiến nhận chuyển nhượng hoặc có năng lực, kinh nghiệm tương đương hoặc cao hơn so với nhà đầu tư chuyển nhượng; phải kế thừa quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư mà nhà đầu tư chuyển nhượng đã cam kết tại hồ sơ dự thầu và hợp đồng dự án;
  • Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của thành viên liên danh phải bảo đảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của từng thành viên theo quy định.

Nghị định 115 có hiệu lực kể từ ngày 16/9/2024./.

Bình luận:

Từ khóa:  NĐ115

,  

đấu thầu

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi