NHIỀU CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

NHIỀU CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

2022-11-18 15:07:14 494

Ngày 09/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2022/QĐ-TTg (“Quyết định 21”) về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg cùng nội dung (“Quyết định 47”).

Trước đây, Quyết định 47 đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển áp dụng đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thuỷ nội địa (như: chính sách ưu đãi vốn vay khi đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa; trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ nội địa, miễn tiền vé cho trẻ dưới 6 tuổi…). Tại Quyết định 21, các chính sách khuyến khích chỉ tập trung vào việc phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Cụ thể:

1. Đầu tư phát triển giao thông đường thủy nội địa

  • Được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả đến các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển.
  • Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính theo Quy hoạch.
  • Trường hợp sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư mới các bến khách: quy hoạch các bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có điều kiện phát triển, đầu tư các loại hình giao thông khác vào quy hoạch của địa phương, để đảm bảo việc đầu tư mới các bến khách này phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia và quy hoạch có liên quan.

2. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa:

Bố trí vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng huy động các nguồn lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu năm sau cao hơn năm trước, với mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu vốn theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin:

  • Ưu tiên bố trí kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động lĩnh vực đường thủy nội địa;
  • Sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước để quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động lĩnh vực đường thủy nội địa sau đầu tư, gồm: cơ sở dữ liệu, phần mềm, phần cứng.

Quyết định 21 có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2022.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi