NHIỀU CHÍNH SÁCH THU HÚT VÀ KHUYẾN KHÍCH CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ TƯ NHÂN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC THAM GIA ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐƯỜNG SẮT

NHIỀU CHÍNH SÁCH THU HÚT VÀ KHUYẾN KHÍCH CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ TƯ NHÂN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC THAM GIA ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐƯỜNG SẮT

2023-11-03 18:11:48 929

Ngày 31/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP (“Nghị quyết 178”) Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1. Mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt, lộ trình đến năm 2045 hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Nghị quyết 178 đề ra hàng loạt mục tiêu xây dựng, phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn, nổi bật có những nội dung như sau:

a. Đến năm 2025: Hoàn thành các quy hoạch liên quan và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

b. Đến năm 2030:

  • Khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.
  • Khởi công một số tuyến đường sắt kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm - Long Thành), tuyến đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng - Thạch Lỗi), tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
  • Xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 50% tổng chiều dài đường sắt đô thị được quy hoạch tại thành phố Hà Nội (trong đó có khoảng 20 tuyến tàu điện một ray – monorail) và Thành phố Hồ Chí Minh.

c. Sau năm 2030 đến năm 2045:

  • Hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
  • Hoàn thành tuyến đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), các tỉnh Tây Nguyên; tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.
  • Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cả monorail và tramway) vào năm 2035; hoàn thành một số tuyến đường sắt đô thị tại các đô thị có quy mô dân số trên 01 triệu dân.
  • Cơ bản hoàn thành cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa các tuyến đường sắt hiện có, đáp ứng yêu cầu COP26.

2. Các chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra nhiều cách thức và chính sách để huy động các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, cụ thể:

  • Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các luật chuyên ngành về đường sắt để tạo môi trường thuận lợi, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đường sắt;
  • Đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng một số quy định đặc thù (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP, cho phép áp dụng loại hợp đồng BT, ưu đãi, bảo đảm đầu tư chia sẻ rủi ro phù hợp) để thu hút nhà đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư từng dự án cụ thể.
  • Hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn vay ưu đãi, phát hành trái phiếu trong nước, quốc tế để đầu tư các dự án đường sắt;
  • Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải (kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ…);
  • Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, đường sắt vùng.
  • Ưu tiên dành quỹ đất thích đáng tại các khu vực quanh các khu ga đường sắt lớn, ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt trong đô thị để phát triển các đô thị, khu chức năng (mô hình TOD) và sử dụng nguồn thu từ phát triển đô thị để tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
  • Đẩy mạnh xã hội hóa, cổ phần hóa, thoái vốn trong kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động theo Nghị quyết 178 và báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để đảm bảo Chương trình được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi