Ngày 19/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2023/NĐ-CP (“Nghị định 25”), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc (“Nghị định 32”). Nghị định 25 có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Ghi nhận cơ chế cho doanh nghiệp thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc
Tại phần định nghĩa về Doanh nghiệp quản lý, khai thác đường cao tốc, ngoài chủ đầu tư dự án (doanh nghiệp được giao hoặc ký hợp đồng đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác (theo hình thức PPP)), Nghị định 25 còn bổ sung đối tượng là doanh nghiệp thuê hoặc nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Hướng dẫn hạch toán chi phí lập phương án tổ chức giao thông
1. Nghị định 25 bổ sung trường hợp phải lập phương án tổ chức giao thông:
- Trước đây, Nghị định 32 chỉ đưa ra trường hợp Chủ đầu tư phải lập phương án tổ chức giao thông trên các tuyến đường cao tốc, trình cơ quan theo quy định để xem xét, phê duyệt trước khi đưa đường cao tốc vào khai thác sử dụng.
- Tuy nhiên, Nghị định 25 bổ sung quy định về Trường hợp cần điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đường cao tốc trong thời gian khai thác sử dụng. Việc lập và trình phương án sẽ do người quản lý sử dụng đường cao tốc thực hiện.
2. Đồng thời, Nghị định 25 cũng hướng dẫn việc hạch toán chi phí lập phương án tổ chức giao thông, cụ thể:
- Chi phí lập phương án tổ chức giao thông được tính trong chi phí tư vấn thiết kế khi đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc;
- Chi phí khảo sát, lập phương án tổ chức giao thông điều chỉnh khi đường cao tốc đã đưa vào khai thác sử dụng được tính trong chi phí bảo trì đường cao tốc.
Bổ sung các điều kiện để công trình đường cao tốc được đưa vào khai thác sử dụng
Ngoài yêu cầu phải có phương án tổ chức giao thông được phê duyệt, công trình đường cao tốc muốn đưa vào sử dụng còn cần đáp ứng thêm các điều kiện:
- Đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; và
- Có quy trình vận hành khai thác đối với các hạng mục, thiết bị theo quy định (bao gồm: hầm; trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; các thiết bị lắp đặt vào công trình đường cao tốc…).
Mọi chi phí cứu nạn và thực hiện công tác bảo đảm giao thông khi cứu nạn, cứu hộ được tính trong chi phí quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì đường cao tốc.
Nghị định 32 quy định khi người điều khiển phương tiện là nguyên nhân gây ra tai nạn thì phải chịu trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh từ hoạt động cứu hộ. Tuy nhiên, tại Nghị định 25 đã bỏ quy định này và cho phép việc hạch toán các chi phí này vào chi phí quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì đường cao tốc.
Xác định đầu mối trách nhiệm chi trả các chi phí cho công tác quản lý, vận hành và bảo trì đường cao tốc
- Đối với công trình đường cao tốc là tài sản công kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước quản lý: Nhà nước chi trả từ nguồn Ngân sách nhà nước.
- Đối với Tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc do Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn và các trường hợp khác giao tổ chức kinh tế, doanh nghiệp khai thác sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công: Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thuê, nhận chuyển nhượng hoặc được giao chịu trách nhiệm chi trả cho đến khi chuyển giao lại cho Nhà nước.
- Đối với đường cao tốc đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Nhà đầu tư chịu trách nhiệm theo quy định tại hợp đồng PPP.
- Đối với các trường hợp khác: chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng đường cao tốc chịu trách nhiệm.
Nghị định 25 có hiệu lực ngày 15/7/2023. Tuy nhiên, các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư đã ký hợp đồng trước ngày 15/7/2023 vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 32 và hợp đồng dự án.
Bình luận: