Ngày 24 tháng 10 năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 2317/QĐ-TCHQ (“Quyết định 2317”) về quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Quyết định 2317 thay thế cho Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ (“Quyết định 1503”) ngày 18 tháng 5 năm 2018 và có những nội dung đáng chú ý sau đây:
Bổ sung thêm tiêu chí phân loại nợ
Theo Khoản 1 Điều 3 Quyết định 2317: “Tiền thuế nợ là tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế thu mà người nộp thuế chưa nộp ngân sách nhà nước khi hết thời hạn nộp theo quy định”.
Trước đây, tại Quyết định 1503, tiền thuế nợ được phân loại thành 03 nhóm là: nhóm nợ có khả năng thu, nhóm nợ khó thu và nhóm nợ chờ xử lý. Quyết định 2317 đã bổ sung thêm 01 nhóm nợ nữa là nhóm nợ được khoanh. Việc bổ sung nhóm nợ được khoanh phù hợp với quy định tại Điều 83 Luật quản lý thuế 2019.
Nhóm nợ được khoanh theo Quyết định 2317 bao gồm:
- Nợ được khoanh theo Luật Quản lý thuế: số tiền nợ của người nộp thuế đã được khoanh nợ theo quy định tại Điều 83 Luật Quản lý thuế;
- Nợ được khoanh theo Nghị quyết số 94/2019/QH14: là số tiền nợ của người nộp thuế đã được khoanh nợ theo quy định của Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Chính phủ về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.
Bổ sung thêm trường hợp thuộc nhóm nợ khó thu
Quyết định 2317 đã bổ sung trường hợp thuộc nhóm nợ khó thu: “Nợ của người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự chưa có đề nghị khoanh nợ, hồ sơ đề nghị xoá nợ”.
Bổ sung trình tự cụ thể đối với từng loại biện pháp cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính về quản lý thuế
Quyết định 1503 và Quyết định 2317 đều đưa ra các biện pháp cưỡng chế quyết định hành chính về quản lý thuế. Tuy nhiên, tại Quyết định 2317, Tổng cục Hải quan bổ sung quy định rất chi tiết về quy trình thực hiện đối với từng biện pháp cưỡng chế.
Một vài điểm đáng lưu ý về các quy trình cưỡng chế tại Quyết định 2317 cụ thể như sau:
- Hình thức chuyển quyết định cưỡng chế tới tổ chức, cá nhân: có thể bằng hình thức điện tử, trực tiếp, gửi bảo đảm qua bưu điện hoặc niêm yết tại trụ sở doanh nghiệp/nơi cư trú của cá nhân.
Trong trường hợp chuyển trực tiếp mà đối tượng không nhận, quyết định được coi như đã giao khi có xác nhận của chính quyền địa phương nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ đăng ký.
Trường hợp chuyển qua bưu điện mà đến lần thứ ba bị trả lại do đối tượng không nhận, quyết định được coi như đã giao kể từ ngày thứ 10 sau khi có các sự kiện nêu trên.
- Tỷ lệ khấu trừ tiền lương, tiền công hoặc thu nhập đối với cá nhân trong biện pháp cưỡng chế bằng khấu trừ lương, thu nhập sẽ không thấp hơn 10% và không quá 30% tổng số tiền lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó; đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.
- Các quyết định cưỡng chế sẽ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Hải quan và Tổng cục Hải quan.
Quyết định 2317 có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bình luận: