NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ LỰA CHỌN NHÀ THẦU THEO HÌNH THỨC ĐÀM PHÁN GIÁ TRONG VIỆC MUA SẮM THUỐC VÀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ LỰA CHỌN NHÀ THẦU THEO HÌNH THỨC ĐÀM PHÁN GIÁ TRONG VIỆC MUA SẮM THUỐC VÀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

2024-05-17 17:34:12 347

Ngày 14/05/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BYT quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá (“Thông tư 05”) để thay thế các quy định về đàm phán giá thuộc Chương V Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập (“Thông tư 15”). Bên cạnh việc ban hành danh mục thuốc, trang thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá, Thông tư 05 bổ sung một số vấn đề nhằm cụ thể hóa các quy định mới có liên quan đến cơ chế “đàm phán giá” của Luật Đấu thầu 2023 áp dụng cho lĩnh vực y tế. Theo đó, chúng tôi cho rằng, quy định tại Thông tư 05 hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình đàm phán giá vừa mang tính chặt chẽ nhưng vẫn có sự “linh hoạt tương đối” nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngành y tế, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế như giai đoạn trước đây.

1. Thay đổi cơ quan có chức năng chủ trì, tổ chức triển khai đàm phán giá

Trước đây, Thông tư 15 quy định thẩm quyền thực hiện công việc liên quan đến chủ trì, tổ chức triển khai đàm phán giá (như xây dựng kế hoạch đàm phán giá; xây dựng, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu; xây dựng, phê duyệt phương án đàm phán giá; trực tiếp đàm phán giá…) thuộc về Hội đồng đàm phán giá thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập và Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia. Tuy nhiên, Thông tư 05 điều chỉnh thẩm quyền nêu trên về cho Đơn vị đàm phán giá (là đơn vị do Bộ Y tế giao nhiệm vụ thực hiện) và Tổ liên ngành đàm phán giá (gồm đại diện của Bộ Tài chính, các đơn vị quản lý dược, trang thiết bị y tế, đấu thầu của Bộ Y tế và các chuyên gia trong trường hợp cần thiết). Quy định này nhằm đảm bảo việc tổ chức triển khai đàm phán giá có tính chuyên môn hơn, phù hợp hơn với điều kiện thực tế của công việc.

2. Đàm phán giá được thực hiện theo kế hoạch tổ chức hàng năm

So với Thông tư 15, Thông tư 05 quy định chặt chẽ và cụ thể hơn theo hướng việc đàm phán giá phải được trên cơ sở kế hoạch tổ chức đàm phán giá; trong đó, kế hoạch tổ chức đàm phán giá phải xác định rõ các nội dung tối thiểu gồm:

  • Số đợt tiến hành đàm phán giá trong năm;
  • Danh mục thuốc, thiết bị y tế thực hiện đàm phán giá mỗi đợt;
  • Thời gian thực hiện đàm phán giá dự kiến.

Ngoài việc yêu cầu đàm phán giá phải tổ chức theo kế hoạch, Thông tư 05 cũng quy định cơ chế “linh hoạt” để tổ chức đấu thầu nhằm giúp việc đấu thầu tránh rơi vào tình thế “bị động” gồm:

  • Đối với thuốc, trang thiết bị y tế thuộc Danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá mà đã có kết quả đàm phán giá được công bố; thì có thể tiến hành xây dựng kế hoạch, xác định nhu cầu mua sắm và thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đàm phán giá cho kỳ tiếp theo.
  • Các đơn vị, địa phương được chủ động tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá theo các hình thức khác (mà không phải là đàm phán giá) như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp; trên cơ sở thông báo của Đơn vị đàm phán giá, trong các trường hợp đặc biệt như: khi thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm thuộc Danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí quy định để tổ chức đàm phán giá; không kịp tiến độ tổ chức đàm phán giá; không điều tiết được thuốc, thiết bị y tế; đàm phán giá không thành công…

3. Quy định chi tiết các vấn đề liên quan đến quy trình đàm phán giá

Về tổng quan, quy trình đấu thầu theo Thông tư 05 bao gồm các bước tương tự được kế thừa từ các quy định của Thông tư 15, gồm các bước cơ bản như sau:

  • Bước 1: Xác định và tổng hợp nhu cầu mua sắm;
  • Bước 2: Lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
  • Bước 3: Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu;
  • Bước 4: Thông báo mời cung cấp và nhận hồ sơ đề xuất;
  • Bước 5: Đánh giá hồ sơ đề xuất và chuẩn bị phương án đàm phán giá;
  • Bước 6: Đàm phán giá và quyết định;
  • Bước 7: Thẩm định, phê duyệt kết quả đàm phán giá và tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, Thông tư 05 bổ sung nhiều quy định chi tiết, cụ thể có liên quan đến từng vấn đề của từng bước nêu trên nguyên tắc chặt chẽ. Theo đó:

  • Xác định rõ, cụ thể vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan trong việc tổng hợp nhu cầu mua sắm; lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, (bao gồm đơn vị có trách nhiệm xác định nhu cầu mua sắm, đơn vị đầu mối tổng hợp nhu cầu mua sắm, bảo hiểm xã hội Việt Nam…)
  • Quy định rõ các căn cứ để xây dựng phương án đàm phán giá thuốc, trang thiết bị y tế… như: giá trúng thầu thuốc/trang thiết bị y tế; khả năng thay thế của thuốc đàm phán giá; thông tin về giá trị của thuốc, trang thiết bị y tế đàm phán giá đã sử dụng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp; giá tham khảo của thuốc, trang thiết bị y tế đàm phán giá…
  • Quy định rõ việc thực hiện đàm phán giá với nhà thầu theo các nguyên tắc cụ thể như: trường hợp nhà thầu đề xuất giá cao hơn mức giá mong muốn: tổ liên ngành đề nghị nhà thầu rà soát để điều chỉnh giá đề xuất, việc đề nghị nhà thầu rà soát để điều chỉnh giá được thực hiện tối đa 03 lần;

Theo đó, các quy định của Thông tư 05 hướng đến việc kiểm soát chặt chẽ việc đàm phán giá, tránh xảy ra tiêu cực trong hoạt động đàm phán giá.

4. Các quy định mang tính “linh hoạt” trong hoạt động đấu thầu

Đối tượng của hoạt động đàm phán giá là các loại thuốc, trang thiết bị y tế có tính chất “đặc biệt”, nếu không may xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, trang thiết bị y tế đó mà không kịp thời mua sắm bổ sung do cơ chế, thủ tục “cứng nhắc” thì sẽ tạo nhiều hệ quả tiêu cực. Theo đó, Thông tư 05 bên cạnh việc siết chặt quy định đàm phán giá để hướng đến việc hạn chế tiêu cực, cũng đồng thời tạo ra các cơ chế “linh hoạt” nhưng vẫn có sự kiểm soát và trong “khuôn khổ” để hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế nếu xảy ra; cụ thể:

  • Vào thời điểm ký hợp đồng, cơ sở y tế và nhà thầu có thể thỏa thuận điều chỉnh số lượng tăng hoặc giảm so với số lượng trong hợp đồng đã ký trên cơ sở các quy định trong hồ sơ yêu cầu;
  • Cho phép thực hiện việc điều tiết thuốc, trang thiết bị y tế. Theo đó, việc điều tiết thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm trúng thầu bao gồm mua bổ sung trong phạm vi tùy chọn mua thêm điều chuyển giữa các cơ sở y tế. Việc tùy chọn mua thêm được thực hiện theo các quy định cụ thể gồm: Đơn vị đàm phán giá được tùy chọn mua thêm số lượng thuốc tối đa phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt để cấp bổ sung, điều tiết cho các cơ sở y tế; Đơn vị đàm phán giá, cơ sở y tế được áp dụng tùy chọn mua thêm thành nhiều đợt khác nhau nhưng tổng số lượng mua thêm không vượt mức tối đa trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt.

Thông tư 05 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024./.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi