NHỮNG KHUYẾN NGHỊ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐỂ TRÁNH LỪA ĐẢO, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

NHỮNG KHUYẾN NGHỊ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐỂ TRÁNH LỪA ĐẢO, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

2022-07-15 09:37:01 520

Cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi gian lận thương mại ngày càng phổ biến, có quy mô lớn, tinh vi và phức tạp hơn. Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp. Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp ta mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác. Nắm được thực trạng này, ngày 03/06/2022, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 4188/VPCP-KTTH về việc chấp thuận báo cáo của Bộ Tài chính về một số hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế có liên quan đến Việt Nam và khuyến nghị (“Báo cáo”).

Báo cáo này có những nội dung nổi bật mà doanh nghiệp cần quan tâm như sau:

Một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến

  1. Lừa đảo trong xuất nhập khẩu hàng hóa, không thanh toán, không chuyển hàng như hợp đồng đã ký: Với các hình thức như: ép giảm giá hoặc không nhận hàng sau khi hàng đã đến cảng; ngắt liên lạc và không nhận hàng; trì hoãn giao hàng, không hoàn trả đặt cọc khi không giao hàng hoặc không chịu thanh toán tiền hàng nhập khẩu, v.v.
  2. Thành lập công ty “ma”, giả mạo doanh nghiệp, cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực công ty để giao dịch: Với các hình thức như: dụ dỗ chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt, hay sử dụng dịch vụ nhưng không thanh toán, v.v.
  3. Giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hóa mà không thanh toán: Với các hình thức như: Giả mạo tài khoản tại ngân hàng hoặc giả mạo cán bộ ngân hàng, cấu kết với các nhóm lừa đảo quốc tế để làm giả giấy tờ, chứng từ, cài người để lấy chứng từ gốc và chiếm đoạt lô hàng; hay viện lý do để đề nghị thay đổi điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán, hoặc đề nghị gửi trước toàn bộ hay một phần vận đơn gốc để lừa đảo, v.v.
  4. Lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu: Với các hình thức như: đóng giả bên môi giới để dụ dỗ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các khoản vay ưu đãi nước ngoài không có thật và nhận tiền hoa hồng môi giới; hay dụ dỗ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các gói thầu lừa đảo tại nước ngoài và yêu cầu chuyển phí hoàn tất thủ tục đấu thầu rồi cắt đứt liên lạc, v.v.

Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam

Từ thực trạng và những nguyên nhân của việc doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế, Báo cáo của Bộ Tài chính đã đề xuất một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm:

  1. Tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín: các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, qua giới thiệu của Bộ, ngành, các CQĐD và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các CQĐD nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp... Nếu tìm đối tác qua mạng internet, doanh nghiệp nên sử dụng các trang mạng chính thức của hiệp hội, ngành nghề các nước
  2. Kiểm tra, xác minh kỹ và toàn diện thông tin đối tác bằng cách đề nghị cung cấp các giấy tờ cơ bản để tự xác minh; hoặc tối ưu nhất là thuê các công ty tư vấn, luật sư uy tín tại sở tại hoặc đề nghị CQĐD, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài xác minh trước khi đàm phán, ký kết các hợp đồng lớn.
  3. Nghiên cứu kỹ hợp đồng và triển khai giao dịch trên cơ sở bảo đảm: (i) Cần nắm bắt các nguyên tắc, thông lệ thương mại quốc tế, vai trò, trách nhiệm của các bên; (ii) Áp dụng các điều khoản thanh toán phổ biến và an toàn; (iii) Hợp đồng nên có điều khoản quy định rõ cơ quan giải quyết khi xảy ra tranh chấp và các thời điểm về chuyển chứng từ gốc, chuyển quyền sở hữu lô hàng, hiệu lực hợp đồng; (iv) Không thay đổi điều khoản hợp đồng sau khi đã ký kết và đã chuyển hàng; (v) Chủ động thuê tàu vận chuyển hàng và xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF để có quyền kiểm soát tốt hơn chứng từ gốc.
  4. Tăng cường thông tin với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và tăng cường tìm kiếm tư vấn và trợ giúp pháp lý khi xây dựng, ký kết các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng có giá trị lớn, có điều khoản thanh toán có rủi ro cao.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi