NHỮNG THAY ĐỔI DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý VỀ TRANG CẤP PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TỪ NGÀY 01/04/2023

NHỮNG THAY ĐỔI DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý VỀ TRANG CẤP PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TỪ NGÀY 01/04/2023

2023-03-31 16:58:58 1052

Ngày 30/11/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH (“Thông tư 25”) quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân (“PTBVCN”) trong lao động. Thông tư 25 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2023 và thay thế Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 (“Thông tư 04”).

Sau đây, ATA Legal Services xin tổng hợp những thay đổi quan trọng của thông tư 25 so với Thông tư 04.

1. Mở rộng đối tượng người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ trang cấp PTBVCN

Thông tư 25 bổ sung thêm “người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng” thuộc trường hợp được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân. Điều này sẽ tạo cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho những người lao động làm việc ở nước ngoài và ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động làm việc ở nước ngoài.

2. Bổ sung loại PTBVCN

Phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế xã hội, Thông tư 25 đưa thêm một loại PTBVCN mà các doanh nghiệp phải trang bị cho người lao động, đó là “Phương tiện chống tia phóng xạ”.

3. Mở rộng phạm vi các trường hợp được xác định là đủ điều kiện để trang bị PTBVCN

Trước đây, Thông tư 04 xác định các trường hợp người lao động tiếp xúc với “yếu tố vật lý xấu” hoặc “yếu tố sinh học xấu” sẽ đủ điều kiện để trang bị PTBVCN. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “xấu” sẽ khó khăn cho công tác áp dụng. Do vậy, Thông tư 25 làm rõ, người lao động chỉ cần tiếp xúc với yếu tố vật lý “không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh” hoặc tiếp xúc với những môi trường được liệt kê là có yếu tố sinh học độc hại thì được xác định là đủ điều kiện để trang bị PTBVCN mà không cần xác định mức độ độc hại, nguy hiểm hay nguy cơ ảnh hưởng của yếu tố độc hại, nguy hiểm đó.

Ngoài ra, Thông tư 25 bổ sung thêm nhiều trường hợp người lao động được trang bị PTBVCN, cụ thể là khi “Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động tiềm ẩn các mối nguy mất an toàn, vệ sinh lao động; làm việc trên biển, trong hầm sâu, trong không gian hạn chế, làm việc trong núi đá, hang đá” .

4. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc trang cấp PTBVCN cho người lao động

Theo đó, Thông tư 25 bổ sung một số nhiệm vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình xem xét, quyết định việc trang cấp PTBVCN cho người lao động như sau:

  1. Tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc;
  2. Chủ động trang cấp PTBVCN cho người lao động trong trường hợp xét thấy cần thiết, kể cả khi nghề, công việc của doanh nghiệp chưa có trong danh mục nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại hoặc PTBVCN đó chưa có trong danh mục PTBVCN phải trang cấp theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (“LĐTBXH”) tại Phụ lục I Thông tư 25. Đồng thời với việc trang cấp PTBVCN, doanh nghiệp phải báo cáo Bộ LĐTBXH để đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung vào danh mục;
  3. Loại bỏ ngay các phương tiện hư hỏng, không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sử dụng.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi