NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ CROWDFUNDING - GỌI VỐN CỘNG ĐỒNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM

NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ CROWDFUNDING - GỌI VỐN CỘNG ĐỒNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM

2023-07-20 21:22:07 1119

Thời gian gần đây, thông tin việc bà Lê Diệp Kiều Trang với dự án Superstrata - “xe đạp in 3D” đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo thông tin mà bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ với báo chí, Công ty Arevo là một công ty công nghệ trong lĩnh vực in 3D, với nguyên liệu là carbon fiber. Tiền thân của Arevo là một công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon do một đội kỹ sư người Ấn Độ phát minh và sáng lập. Năm 2020, bà Trang và chồng là Vũ Xuân Sơn (Sony Vũ) bắt đầu kêu gọi đầu tư vào Công ty Arevo để thực hiện dự án start up mang tên “Superstrata” - sản xuất những chiếc xe đạp bằng công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới. Giữa năm 2020, bà Trang và chồng về Việt Nam xây dựng đội ngũ, xin giấy phép mở nhà máy và bắt đầu tiến hành lắp những hệ thống máy in 3D bằng robot đầu tiên. Nhà máy được đặt tại thành phố Thủ Đức với diện tích 5.500 m2, lắp đặt 70 máy in 3D với hệ thống robot tự động hóa, được kết nối hoàn toàn lên đám mây, kết nối các điểm sản xuất khác nhau. Tổng giá trị của dự án này đầu tư vào Việt Nam là khoảng 20 triệu USD.[1] Tuy nhiên, ngày 15/05/2023, Công ty Arevo đã nộp đơn lên Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh xin ngưng hoạt động và được chấp thuận vào ngày 17/5/2023.

Phải nói rằng, Superstrata là một trong những dự án vô cùng thành công trong việc kêu gọi vốn đầu tư. Thực tế, dự án này của bà Lê Diệp Kiều Trang và ông Sony Vũ đã nhận được hơn 25 triệu USD từ các nhà đầu tư, tổ chức tài chính chuyên nghiệp và hơn 7 triệu USD từ các cá nhân trên Indiegogo – được xác định là đơn vị huy động vốn theo hình thức crowdfunding – gọi vốn cộng đồng. Khi dự án ngưng hoạt động, các cá nhân từng chi tiền cho dự án trên Indiegogo vô cùng hoang mang và băn khoăn rằng liệu họ có được hoàn lại tiền hoặc liệu Indiegogo và vợ chồng bà Trang, ông Vũ hoặc Avero có phải chịu trách nhiệm với họ khi dự án bị đóng cửa hay không?

Trên thế giới, ngày càng có nhiều dự án sử dụng hình thức kêu gọi vốn crowdfunding này, đặc biệt là các dự án start up – khởi nghiệp. Ở Việt Nam, cũng có một số trang web trung gian đứng ra thực hiện việc kêu gọi vốn để triển khai một chương trình hoặc thực hiện một dự án nhưng thường là các chương trình, dự án mang tính ngắn hạn, đơn giản như các chương trình về nghệ thuật hoặc các dự án từ thiện… Tuy crowdfunding theo đúng nghĩa chưa phổ biến nhưng ở Việt Nam từ lâu lại tồn tại một số “biến thể” tương tự và cũng thu hút được sự chú ý cũng như lượng vốn lớn từ thị trường mà đôi khi ngay cả việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán cũng không thực sự đem lại hiệu quả cao như vậy.

Với mong muốn đưa tới cho các quý vị những cái nhìn tổng hợp nhất về crowdfunding trên thế giới, phân biệt với những “biến thể” tại Việt Nam để từ đó khuyến nghị những rủi ro và các vấn đề cần lưu ý đối với loại hình gọi vốn này, ATA Legal Services đã thực hiện chuyên đề này “NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ CROWDFUNDING - GỌI VỐN CỘNG ĐỒNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM”.

1. Crowdfunding là gì?

Theo định nghĩa của trang web wikipedia, Crowdfunding – gọi vốn cộng đồng là một hình thức gây quỹ tập thể mà theo đó những cá nhân đóng góp tiền của họ, thường là thông qua Internet, để hỗ trợ cho các dự án hoặc sáng kiến do người khác hoặc tổ chức khác khởi xướng. Ngắn gọn lại, Crowdfunding - Gọi vốn cộng đồng là một hình thức huy động nguồn lực đám đông và hỗ trợ tài chính. Toàn bộ số tiền được ủng hộ sẽ chuyển về chủ sở hữu của dự án kêu gọi gây quỹ cộng đồng. Khi gây quỹ thành công, số tiền sẽ được dùng để hoàn thành dự án và phát triển công ty. Trong trường hợp gọi vốn không thành công, số tiền ủng hộ sẽ được chuyển trả lại cho từng nhà đầu tư cá nhân.

Trên thế giới, các quốc gia thường áp dụng các quy định về crowdfunding để bảo vệ người đầu tư khỏi những rủi ro tiềm tàng. Tuy nhiên, phạm vi và cách thức áp dụng các quy định này có thể khác nhau giữa các quốc gia. Các quy định thường tập trung vào việc:

Yêu cầu đăng ký: Các nền tài chính khác nhau có các yêu cầu khác nhau về việc đăng ký dự án và các nhà sáng lập trên các nền tảng crowdfunding. Yêu cầu đăng ký này nhằm đảm bảo rằng các dự án được giám sát chặt chẽ và tuân thủ quy định pháp luật.

Báo cáo tài chính: Một số quốc gia yêu cầu các nhà sáng lập cung cấp thông tin chi tiết về tài chính và kế hoạch sử dụng vốn để người đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về dự án.

Giới hạn số lượng nhà đầu tư và số tiền đầu tư: Một số quốc gia có các hạn chế về số lượng người đầu tư được tham gia và số tiền tối đa mà mỗi nhà đầu tư có thể đầu tư vào một dự án crowdfunding. Điều này giúp hạn chế rủi ro cho từng nhà đầu tư và giảm nguy cơ thiệt hại lớn đối với mỗi cá nhân.

Hiện nay, các doanh nghiệp thường gọi vốn trên các crowdfunding platforms hay các trang web gây quỹ cộng đồng. Nổi bật đó là các trang như Kickstarter hay Indiegogo.

2. Việc gọi vốn qua Indiegogo của dự án Superstrata

Như đã đề cập, việc gọi vốn cộng đồng của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang được thực hiện tại Mỹ, thông qua trang Indiegogo. Vậy cách thức hoạt động của Indiegogo ra sao? Theo các thông tin ATA tổng hợp, thu thập được từ chính trang web này, Indiegogo là một trang web gây quỹ cộng đồng của Mỹ được thành lập vào năm 2008 bởi Danae Ringelmann, Slava Rubin và Eric Schell. Trụ sở chính của Indiegogo ở San Francisco, California. Trang web này là một trong những trang web đầu tiên cung cấp nền tảng kêu gọi góp vốn từ cộng đồng. Indiegogo cho phép mọi người gây quỹ cho một ý tưởng, tổ chức từ thiện hoặc doanh nghiệp mới thành lập[1]. Indiegogo tính phí 5% cho các khoản đóng góp.

Phương thức đóng góp và nhận quà tri ân (rewards based - nhà đầu tư nhận một phần quà tương ứng với giá trị đóng góp) là phương thức điển hình được áp dụng phổ biến trên Indiegogo đồng thời là phương thức ông Sonny Vũ và bà Kiều Trang áp dụng để gọi vốn cho dự án xe đạp Superstrata. Cụ thể, với dự án Superstrata, với mỗi khoản tài trợ, phần thưởng của nhà tài trợ là 1 chiếc xe đạp Superstrata E với đầy đủ phụ kiện và được bảo hành trong 2 năm và thời hạn giao xe dự kiến là tháng 7 năm 2021.

Tuy nhiên, dự án này vấp phải nhiều chỉ trích trên chính trang web Indiegogo về việc những người tài trợ dự án không nhận được xe đạp và các nhà sáng lập dự án không phản hồi khi được những người tài trợ dự án liên hệ.[2] Nhiều người băn khoăn việc khi dự án không giao xe đúng hạn hoặc không thành công thì họ được quyền thu hồi lại số tiền không?

Về trách nhiệm của Indiegogo, trang web này đã nêu rõ trong Chính sách của mình được đăng tải trên website rằng người dùng website cần phải hiểu rõ rằng tài trợ một dự án và việc nhận lại những “món quà tri ân” không giống với việc mua hàng trực tuyến[3] và Indiegogo cũng không đảm bảo cho việc các “món quà tri ân” sẽ chắc chắn được giao tới các nhà tài trợ, việc này hoàn toàn thuộc trách nhiệm của những người sáng lập dự án và kêu gọi vốn.[4] Indiegogo cũng không thể hoàn lại số tiền tài trợ cho nhà tài trợ khi đã chuyển cho chủ dự án. Lúc này, vấn đề hoàn tiền hoàn toàn thuộc trách nhiệm của chủ dự án. Đây là mô hình chung của các dự án trên nền tảng Indiegogo và cả một số trang web khác có phương thức hoạt động tương tự.

Về trách nhiệm của dự án Superstrata và ông Sonny Vũ – chủ dự án, bà Lê Diệp Kiều Trang – người liên quan và tham gia quản lý dự án, chúng tôi đã tìm hiểu trên trang web của Indiegogo, các trang web của dự án thì ngoài việc cập nhật các thông tin về dự án, việc giao hàng, vấn đề chất lượng của sản phẩm…, không có bất kỳ khẳng định nào chính thức từ những cá nhân hoặc pháp nhân liên quan về việc: sẽ hoàn trả tiền tài trợ khi dự án thất bại hoặc sẽ bồi thường cho những nhà tài trợ không được nhận quà hay quà không đúng với kỳ vọng, ngoại trừ việc Avero phát hành một email ghi nhận việc nhà tài trợ đã “Order” (Đặt hàng) và “Order” này đã được chấp nhận, số tiền đóng góp trên Indiegogo sẽ được tính vào phần chi trả cho đơn hàng này.

Trả lời Báo Thanh niên[5], bà Lê Diệp Kiều Trang khẳng định rằng việc góp vốn cho dự án Superstrata của các cá nhân trên Indiegogo hoàn toàn chỉ là tài trợ với quyền lợi được nhận xe đạp là sản phẩm của dự án và rằng đội ngũ Avero cũng đang nỗ lực để hoàn thành việc gửi những chiếc xe đạp cuối cùng cho các nhà tài trợ. Bà Trang còn nói, dự án bị những ràng buộc từ những nhà đầu tư khác nên không thể công bố thông tin cụ thể cho các nhà tài trợ và cộng đồng. Trách nhiệm của Bà Trang, ông Sonny Vũ và dự án đối với các nhà đầu tư cá nhân tại Indiegogo chỉ nằm vỏn vẹn ở 2 chữ “đáng tiếc” và “xin lỗi”.

Theo chúng tôi được biết, ngoại trừ việc tiếp tục đăng đàn phản ánh và phàn nàn đối với dự án Superstrata và ông Sonny Vũ – chủ sở hữu dự án, các cá nhân góp vốn cho dự án qua Indiegogo cũng không có được bất kỳ một hướng giải quyết nào khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

3. Từ vụ việc của dự án Superstrata để nghiêm túc nhìn lại những rủi ro của phương thức gọi vốn cộng đồng – crowdfunding

Với tư cách là một chuyên gia pháp lý, chúng tôi nhận thấy phương thức gọi vốn cộng đồng crowdfunding, như dự án Superstrata của ông Sonny Vũ và bà Lê Diệp Kiều Trang, luôn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, cụ thể như sau:

3.1. Không có cơ chế bảo vệ người góp vốn khi dự án không thành công hay chủ sở hữu dự án không thực hiện đúng cam kết

Thực sự, ngoại trừ Indiegogo và các trang web trung gian gọi vốn có các điều kiện, điều khoản, tuyên bố đối với các nhà đầu tư khi tham gia góp vốn vào các dự án trên trang web, thông tin về các dự án và chủ sở hữu dự án chủ yếu theo hướng một chiều và do chủ dự án hoàn toàn chủ động. Giữa nhà đầu tư với chủ sở hữu dự án hoặc doanh nghiệp hình thành từ dự án gần như không có bất kỳ văn bản cam kết hay thoả thuận về các quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc sử dụng khoản vốn, trách nhiệm của chủ sở hữu dự án khi sử dụng vốn không đúng mục đích hoặc các trường hợp dự án không hoàn thành hoặc dự án bị thất bại mà không phải do nguyên nhân bất khả kháng. Các nhà đầu tư chỉ biết đến những bản kế hoạch vẽ do chủ sở hữu xây dựng và tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định góp vốn của mình mà không nhận được bất kỳ một sự bảo đảm nào từ nguồn nào về việc nguồn vốn đó đã được dùng đúng mục đích hay có cơ chế nào để bảo đảm quyền lợi của mình đối với các cam kết của chủ sở hữu dự án hay không? Indiegogo hay các trang web trung gian khác cũng không có cơ chế nào để hỗ trợ họ trao đổi, làm việc với chủ sở hữu dự án ngoài việc xem xét tư cách của những tổ chức, cá nhân này trong việc có được tiếp tục gọi vốn trên trang web của mình hay không?

Với trường hợp của Superstrata, người góp vốn chỉ có thể chờ đợi để nhận quà tặng là sản phẩm xe đạp thuộc đối tượng nghiên cứu và sản xuất của dự án. Tuy nhiên, chúng tôi được biết vẫn còn nhiều người góp vốn chưa nhận được xe đạp và không hài lòng về xe đạp nhận được ngay cả sau khi dự án đã tuyên bố chấm dứt. Và rõ ràng hiện nay, không có bất kỳ một cơ chế nào để bảo vệ quyền lợi của họ.

3.2. Không có cơ chế bảo đảm việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về dự án từ chủ sở hữu dự án

Theo dõi trường hợp dự án Superstrata, hầu như chỉ có sự cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm và những vấn đề vận chuyển sản phẩm tới tay người góp vốn mà không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến tình trạng tài chính, hoạt động quản trị của Công ty Avero – đơn vị triển khai và quản lý dự án.

Sau khi dự án dừng hoạt động, bà Kiều Trang trả lời phỏng vấn của báo https://thanhnien.vn đều nói rằng bà và ông Sonny Vũ bị ràng buộc với các nhà đầu tư khác nên không thể cung cấp thông tin ra thị trường. Rõ ràng, chưa có bất kỳ một cơ chế nào để bảo vệ quyền được yêu cầu cung cấp hoặc tiếp cận thông tin của người góp vốn trên Indiegogo.

3.3. Không có hoặc rất ít thông tin đánh giá hoặc cảnh báo về khả năng thất bại của dự án

Khả năng thất bại của dự án là vấn đề mà những người góp vốn cần phải ý thức được để lên kế hoạch dòng tiền và công việc của mình. Cũng giống như Superstrata, rất nhiều dự án start up không thành công, điển hình ở Việt Nam có The Kafe, Wefit… hay thế giới có Pets.com, công nghệ thử máu nhanh Theranos… Nguyên nhân dẫn đến thất bại rất nhiều bởi trong quá trình triển khai dự án, có thể phát sinh những khó khăn không lường trước được, từ sự cạnh tranh, thay đổi thị trường đến các rủi ro pháp lý. Trong khi đó, hầu hết các dự án kêu gọi vốn từ cộng đồng là những dự án start up, chủ sở hữu dự án có thể giỏi chuyên môn, giàu năng lượng, giao tiếp tốt nhưng chưa chắc đã là người có đủ kinh nghiệm và năng lực trong việc quản trị, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực chất, các dự án bị thất bại phần lớn là do các chủ sở hữu dự án đã không thể hoàn thành vai trò của mình khi quản trị dự án và dòng tiền của dự án.  

Tất nhiên, người góp vốn phải tự đánh giá và tự chịu trách nhiệm về việc góp vốn của mình vào dự án, nhưng đặt ra vấn đề là họ có thực sự có cơ sở hoặc có khả năng để đánh giá hay không và chủ sở hữu dự án hay trang web trung gian có nhấn mạnh hay nêu bật các khả năng này với họ trước khi chính thức chuyển tiền góp vốn hay không?

3.4. Thiếu sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý

Tất cả các dự án huy động vốn từ cộng đồng hầu hết được thực hiện qua các trang web trung gian hoặc qua trang web của chính những người kêu gọi vốn lập ra. Các thông tin được truyền tải trên các trang web này hầu hết là một chiều, do chủ sở hữu dự án tự cung cấp, tự chịu trách nhiệm chứ không được quản lý, giám sát, kiểm tra bởi cơ quan quản lý nào.

Ngoài ra, theo hiểu biết của ATA Legal Services, hiện tại cả trên thế giới và Việt Nam đều không ghi nhận các cơ chế để bảo hộ quyền lợi cho người góp vốn dưới hình thức crowdfunding cũng như những bên có liên quan. Mọi vấn đề phát sinh được ghi nhận và giải quyết theo cơ chế tự thoả thuận, tự xác lập, tự chịu trách nhiệm.

4. Cảnh báo về một số mô hình “được cho là” crowdfunding tại Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay, có nhiều tổ chức, cá nhân gọi vốn với mô hình tương tự hoặc gần tương tự với mô hình của Arevo dưới dạng kêu gọi tài trợ, góp vốn để triển khai các dự án và hứa hẹn sẽ thành lập công ty, phát hành cổ phiếu, niêm yết cổ phiếu và để những người góp vốn trở thành cổ đông, hưởng lợi nhuận từ việc giao dịch cổ phiếu trên sàn. Những dự án này kêu gọi được số lượng nhà đầu tư rất lớn, hầu hết là cá nhân, đôi khi lên tới hàng nghìn người và số tiền huy động đến hàng trăm tỷ đồng. Người góp vốn được tham gia các hội thảo giới thiệu về viễn cảnh sản phẩm, dự án, khả năng làm giàu và việc sau này sẽ trở thành chủ của doanh nghiệp dự án có cổ phiếu niêm yết trên sàn. Trong khi đó, hầu hết việc góp vốn sẽ dưới hình thức tài trợ, chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân và cá nhân góp vốn ngoài việc nhận được một biên nhận xác định số tiền “tài trợ” thì không có bất kỳ một tài liệu thoả thuận hoặc cam kết nào về trách nhiệm của chủ sở hữu dự án trong việc sử dụng số tiền đó vào dự án hay vấn đề ghi nhận quyền được mua cổ phần của doanh nghiệp dự án cũng như trách nhiệm đối với người góp vốn khi dự án thất bại.

Mô hình này so với việc góp vốn trên Indiegogo còn rủi ro hơn rất nhiều. Bởi ít nhất, khi thông qua Indiegogo hay những trang web trung gian có uy tín, dự án đã được thẩm định bước đầu và thường phải đáp ứng các tiêu chí về uy tín, kinh nghiệm, năng lực do trang web trung gian đề ra. Trong khi đó, với mô hình của Việt Nam, không có bất kỳ một đơn vị nào tham gia vào việc đánh giá, bảo đảm bước đầu cho dự án hay các thông tin mà dự án cung cấp.

Trong khi đó, Việt Nam hiện nay không có quy định pháp luật trực tiếp điều chỉnh vấn đề “gọi vốn cộng đồng”. Do đó, các dự án nêu trên rõ ràng không được đăng ký hoặc được công nhận hoặc được quản lý bởi bất kỳ cơ quan thẩm quyền hay đơn vị trung gian nào. Nếu dự án suôn sẻ và chủ dự án giữ đúng cam kết thì đó là điều tốt cho người góp vốn (liên quan đến việc đánh giá khả năng hoàn thành các cam kết của chủ sở hữu những dự án kiểu này, ATA Legal Services sẽ có bài đánh giá riêng trong kỳ chuyên đề sau); tuy nhiên, khi xảy ra tình huống theo chiều ngược lại, pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ một cơ chế nào để bảo vệ cho người góp vốn. Chỉ khi chủ sở hữu dự án có dấu hiệu phạm tôi và các cơ quan chức năng vào cuộc thì những nhà đầu tư, người góp vốn mới biết và hình dung được phần nào các rủi ro có thể gặp phải.

5. Khuyến nghị các vấn đề cần quan tâm và giải quyết trước khi thực sự góp vốn theo hình thức crowdfunding hoặc biến thể của crowdfunding

Như đã phân tích ở trên, crowdfunding dù là hình thức kêu gọi vốn tiềm năng, có thể mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư cần hết sức cân nhắc và cẩn trọng trước khi thực hiện việc đầu tư theo mô hình này.

ATA khuyến nghị các nhà đầu tư có dự định đầu tư, góp vốn vào mô hình trên phải thực hiện các biện pháp sau trước khi chính thức chuyển tiền hoặc giao kết các giao dịch có liên quan:

5.1. Tìm hiểu và làm rõ quyền lợi và rủi ro mà mình có thể gặp phải trong quá trình đầu tư

a. Cần tìm hiểu rõ thông tin về chủ sở hữu dự án và dự án mình tham gia thông tin cần cập nhật và từ các nguồn tin cậy như:

+ Về chủ sở hữu dự án: thông tin nhân thân? xuất thân và thành tích như thế nào? từng có kinh nghiệm làm việc ở đâu? Kinh nghiệm trước đây có phù hợp với dự án không? chuyên gia đánh giá thế nào về chủ sở hữu dự án?...

+ Dự án: Tên gọi, mục tiêu, hình thức, quy mô? Các nguồn đầu tư, tài trợ, bảo lãnh? Sản phẩm/ kết quả của dự án là gì? Dự toán tài chính của dự án? Đánh giá của chuyên gia về khả năng thành công?

b. Cần tìm hiểu rõ các quyền lợi và rủi ro khi tham gia dự án:

Khi tham gia dự án được nhận những quyền lợi gì? điều kiện nhận quyền lợi là gì? thời hạn và phương thức nhận quyền lợi như thế nào? Trường hợp không được nhận như cam kết thì có quyền, nghĩa vụ gì?....

5.2. Yêu cầu chủ sở hữu dự án có cam kết bằng văn bản về các trách nhiệm liên quan đến dự án và người góp vốn

Trong trường hợp góp vốn qua các trang web trung gian, có thể yêu cầu các trang web trung gian đề nghị chủ sở hữu dự án bổ sung các văn bản cam kết trách nhiệm như một nội dung thông tin bắt buộc phải cung cấp của dự án.

Trong một số trường hợp nếu các dự án đưa thông tin về việc thu hút được các nhà đầu tư lớn hoặc được tài trợ bởi các ngân hàng lớn thì có thể đặt vấn đề về việc bảo lãnh/bảo đảm hoặc xác nhận thông tin được cung cấp từ các nhà đầu tư, ngân hàng đó.

5.3. Làm rõ cơ chế cung cấp thông tin và bảo đảm nguồn thông tin là xác thực

Nguồn thông tin xác thực thông thường sẽ là những thông tin được công bố công khai trên các trang web của cơ quan quản lý, các phương tiện thông tin đại chúng có uy tín và có độ phủ rộng rãi hoặc các chứng nhận, xác nhận có chữ ký và con dấu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, điều này không loại trừ trường hợp các đối tượng liên quan có thể làm giả mạo giấy tờ hoặc nguồn dữ liệu. Cách tốt nhất là không nên tin tưởng ngay các thông tin được cung cấp mà nên có kiểm tra, đối chiếu lại từ các nguồn thông tin xác thực kể trên.

5.4. Xác định rõ và ý thức được rủi ro để cân đối với khẩu vị rủi ro của mình, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc

Vì việc góp vốn cho một dự án start up luôn tồn tại nhiều rủi ro nên người góp vốn phải luôn xác định rõ và ý thức được rủi ro, trong đó, rủi ro cao nhất là: mất toàn bộ vốn góp mà không nhận lại được bất kỳ quyền lợi nào như cam kết hoặc kì vọng. Theo đó, nhà đầu tư nên cân đối nguồn vốn, khả năng tài chính của mình để trong mọi trường hợp, kể cả khi rủi ro cao nhất xảy ra cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của mình.

5.5. Tìm đến các chuyên gia pháp lý hoặc tư vấn tài chính có kinh nghiệm để hạn chế rủi ro pháp lý hoặc rủi ro tài chính

Các luật sư hoặc các chuyên gia tài chính có thể không giúp bạn trở nên giàu có hơn và cũng không thể khắc phục hoặc loại trừ toàn bộ những rủi ro trong đầu tư cho bạn, nhưng họ sẽ đưa ra được những phân tích, đánh giá, những lời khuyên, khuyến nghị để bạn có thể chủ động đối mặt, quản trị rủi ro trong phạm vi tốt nhất có thể và có thể giúp bạn không bị lâm vào tình trạng “kiệt quệ” về mọi mặt (khi bị kiệt quệ về tài sản, tài chính, có thể chúng ta sẽ rất dễ lâm vào tình trạng kiệt quệ cả về tinh thần và sức khoẻ).

 

[1] https://thanhnien.vn/ba-le-diep-kieu-trang-arevo-la-bai-hoc-lon-doi-voi-toi-185230703124711734.htm 

[1]  Learn About Indiegogo | Indiegogo

[2] Thông tin về dự án Xe đạp Superstrata trên trang web Indiegogo: https://www.indiegogo.com/projects/superstrata-bike#/

[3] Trích dẫn Indiegogo Refund Policy: “It is important to understand that backing a campaign and claiming a perk arenot the same as buying an item online

[4] https://www.indiegogo.com/about/terms#/indiegogosrole

[5] https://thanhnien.vn/chien-dich-goi-von-xe-dap-superstrata-nhap-nhang-tai-tro-hay-mua-ban-185230705121401987.htm

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi