Theo quy định pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải bị tịch thu và nộp lại vào ngân sách nhà nước. Trước đây, việc xác định và xử lý số lợi bất hợp pháp này được quy định tại Thông tư 149/2014/TT-BTC ("Thông tư 149”). Vừa qua, ngày 02/11/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 65/2022/TT-BTC (“Thông tư 65”) thay thế Thông tư 149.
Thông tư 65 có một số quy định mới đáng chú ý so với Thông tư 149 trong cách xác định số lợi bất hợp pháp bị tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước như sau:
Sửa đổi quy định phạm vi xác định số lợi bất hợp pháp
Trước đây, Thông tư 149 quy định số lợi bất hợp pháp là “khoản lợi ích mà tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi vi phạm”. Tuy nhiên, Thông tư 65 mở rộng hơn theo hướng: “số lợi bất hợp pháp là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc tài sản khác có được từ hành vi vi phạm hành chính”.
Thay đổi cơ sở xác định số lợi là giấy tờ có giá
Thông tư 65 bỏ việc xác định số lợi theo mệnh giá của giấy tờ có giá như quy định tại Thông tư 149. Theo đó, việc xác định sẽ căn cứ vào (i) giá trị thực tế thu được tại thời điểm chuyển nhượng hoặc (ii) giá trị sổ sách trong trường hợp giấy tờ có giá đã bị tẩu tán, tiêu huỷ.
Đưa ra nguyên tắc bồi hoàn đối với hành vi tiêu thụ, tẩu tán, tiêu huỷ trái quy định đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân vi phạm phải nộp lại số tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
Bình luận: