QUẢN LÝ CHẶT CHẼ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG VÀO MỤC ĐÍCH KINH DOANH TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

QUẢN LÝ CHẶT CHẼ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG VÀO MỤC ĐÍCH KINH DOANH TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

2024-10-04 21:33:44 142

Ngày 15/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2024/NĐ-CP (“Nghị định 114”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ-CP (“Nghị định 151”) quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý sử dụng tài sản công. Về cơ bản, Nghị định 114 hướng đến việc linh hoạt trong quản lý sử dụng tài sản công của cơ quan nhà nước, và tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Theo đó, những điều chỉnh chính liên quan đến việc sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (“Mục Đích Kinh Doanh”) cụ thể như sau:

1. Đơn vị sự nghiệp công lập không được sử dụng vào Mục Đích Kinh Doanh đối với đất thuê được miễn tiền thuê đất.

Tương tự như Nghị định 151, Nghị định 114 quy định cho phép Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền thuê đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả bằng tiền không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước được sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vào Mục Đích Kinh Doanh.

Tuy nhiên, Nghị định 114 làm rõ trường hợp đất được Nhà nước cho thuê theo hình thức thu tiền thuê đất một lần và được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê cũng được coi là trường hợp tiền thuê đất được trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không được sử dụng quyền sử dụng đất loại này vào Mục Đích Kinh Doanh.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập phải nộp ít nhất 2% doanh thu từ hoạt động kinh doanh vào ngân sách nhà nước

Theo đó, Nghị định 114 bổ sung yêu cầu đơn vị sự nghiệp công lập có nghĩa vụ nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền tối thiểu bằng 2% doanh thu đơn vị sự nghiệp công lập thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (ngoài các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định (mức nộp cụ thể được xác định theo Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh).

Riêng các trường hợp sau đây không phải thực hiện nghĩa vụ nộp khoản tiền nêu trên:

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định.

3. Tài sản là bất động sản tham gia hoặc hình thành sau liên doanh, liên kết phải chuyển giao không bồi hoàn cho đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 151 quy định, sau khi kết thúc liên doanh, liên kết, các tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất tham gia hoạt động này sẽ thuộc về Nhà nước. Theo đó, tài sản sẽ được xác lập quyền sở hữu toàn dân và được xử lý theo chế độ sở hữu toàn dân.

Tại Nghị định 114, Chính phủ đưa ra nguyên tắc xử lý các tài sản tham gia liên doanh, liên kết và cả những tài sản hình thành thông qua liên doanh, liên kết là bất động sản sau khi kết thúc liên doanh, liên kết (bao gồm cả trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn) thì phải chuyển giao không bồi hoàn cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng.

Quy định này theo chúng tôi là phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả trong sử dụng tài sản công và giảm thiểu các thủ tục hành chính trong việc xác lập, giao quyền quản lý, sử dụng đối với tài sản công (khác với trường hợp tài sản thuộc sở hữu toàn dân trước đây).

4. Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được áp dụng hình thức cho thuê trực tiếp tài sản công đối với những gói thuê có thời gian ngắn hoặc giá trị thấp

Bên cạnh việc Nghị định 114 quy định việc cho thuê trực tiếp đối với tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được áp dụng đối với việc cho thuê tài sản trong thời gian dưới 30 ngày/01 lần thuê hoặc có giá trị gói thuê dưới 50 triệu đồng/01 lần thuê. Tất cả các trường hợp khác sẽ đều phải tiến hành cho thuê theo hình thức đấu giá. Quy định này chặt chẽ hơn so với tại Nghị định 151 trước đây khi cho phép việc cho thuê trực tiếp đối với các tài sản là phương tiện vận tải, thiết bị, máy móc hoặc các hạng mục công trình trong thời hạn dưới 15 ngày hoặc trên 15 ngày nhưng không liên tục.

Ngoài ra, Nghị định 114 đưa ra nguyên tắc giải quyết trong trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê mà người thuê tài sản đã đầu tư thêm để nâng cao giá trị sử dụng của tài sản. Theo đó, phần giá trị tài sản đầu tư thêm sẽ thuộc về đơn vị sự nghiệp công lập có tài sản sau khi hết thời hạn thuê, kể cả trường hợp Hợp đồng thuê chấm dứt trước thời hạn.

Những quy định nêu trên nâng cao tính hiệu quả trong khai thác, quản lý tài sản công. Đồng thời, việc yêu cầu phải đấu giá công khai khi cho thuê tài sản công cũng sẽ bảo đảm tính minh bạch về nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Nghị định 114 có hiệu lực kể từ ngày 30/10/2024./.

Bình luận:

Từ khóa:  NĐ114/ tài sản công

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi