Ngày 30 tháng 10 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP (“Nghị định 91”) sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP (“Nghị định 126”) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Nghị định 91 có một số thay đổi đáng lưu ý sau:
Thay đổi phương thức xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp ("TNDN") tạm nộp và thời điểm xác định nghĩa vụ nộp tiền chậm nộp
Quy định việc tạm nộp thuế TNDN của 03 quý đầu năm phải đảm bảo tối thiểu bằng 75% giá trị thuế theo quyết toán năm tại Nghị định 126 gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là bởi việc dự tính được doanh thu cả năm và giá trị thuế TNDN cả năm tại thời điểm tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của 03 quý đầu năm (31/10) là rất khó. Thông thường, quý 4 lại là quý ghi nhận doanh thu cao nên việc phát sinh thuế đột biến trong quý 4 sẽ dẫn đến nguy cơ khiến cho doanh nghiệp bị đẩy vào tình huống bị coi là chậm nộp thuế và phải nộp tiền chậm nộp tính từ 31/10 đến thời điểm nộp chính thức.
Theo quy định tại Nghị định 91: “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.”
Như vậy, Nghị định 91 đã thay đổi phương xác định giá trị thuế TNDN tạm nộp:
+ Xác định cho 04 quý (cũ: xác định cho 03 quý đầu năm);
+ Đổi mốc xác định giá trị tối thiểu mà doanh nghiệp tạm nộp thành 80% giá trị thuế theo quyết toán năm (cũ: mức tối thiểu là 75%);
+ Thay đổi thời điểm xác định nghĩa vụ nộp tiền chậm nộp thành ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp quý 04 – cụ thể là ngày 31/01 (cũ: được xác định từ ngày tạm nộp quý 03 – ngày 31/10).
Quy định này có lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Bổ sung quy định rõ ràng về ngày kết thúc thời hạn
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định này. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập nhưng không phát sinh khấu trừ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”)
Theo quy định trước đây tại Nghị định 126 và được hướng dẫn tại Mục 2 Công văn 2393/TCT-DNNCN ngày 01/07/2021 của Tổng Cục Thuế về khai thuế TNCN do Tổng Cục Thuế ban hành thì cứ tổ chức, cá nhân có phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không, đều phải khai và nộp thuế TNCN.
Tuy nhiên, Nghị định 91 đã bổ sung trường hợp người khai thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế. Theo đó, dù có phát sinh trả thu nhập chịu thuế nhưng không phát sinh việc khấu trừ thuế trong tháng/quý thì người nộp thuế sẽ không phải nộp hồ sơ khai thuế cho tháng/quý đó.
Đây là một nội dung nhằm tinh giản các thủ tục về thuế, khai thuế cho doanh nghiệp.
Gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ khai thuế và nộp thuế TNCN thay cho các cá nhân phát sinh thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn (cổ đông hưởng cổ tức, thưởng bằng chứng khoán; thành viên được ghi tăng vốn góp từ lợi tức; góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp và chứng khoán):
Theo quy định tại Nghị định 126, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, tổ chức phát hành có nghĩa vụ khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân phát sinh thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn. Nghĩa vụ này phát sinh cùng thời điểm với hiệu lực của Nghị định 126 – từ ngày 05/12/2020.
Tuy nhiên, Nghị định 91 gia hạn nghĩa vụ khai thuế và nộp thuế thay cho các đối tượng nêu trên đến 01/01/2023.
Đồng thời, Nghị định 91 cho phép cá nhân đã được ghi nhận vào tài khoản chứng khoán từ ngày 31/12/2022 trở về trước nhưng chưa được khai thuế và nộp thuế thay bởi các đối tượng trên sẽ chủ động thực hiện khai và nộp thuế. Những cá nhân này cũng sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về chậm nộp hồ sơ khai thuế và không bị tính tiền chậm nộp (nếu có) từ 05/12/2020 đến hết 31/12/2022[1].
Nghị định 91 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
[1] Khoản 8 Điều 1 Nghị định 91
Bình luận: