Để đảm bảo cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất diễn ra thuận lợi, nhanh chóng việc dự trù được kinh phí thực hiện đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nắm được tinh thần đó, ngày 05 tháng 10 năm 2022 Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 61/2022/TT-BTC (“Thông tư 61”) thay thế cho Thông tư 74/2015/TT-BTC (“Thông tư 74”) quy định về lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Thông tư 61 có những nội dung đáng chú ý sau đây:
Phân loại các loại dự án, tiểu dự án và mức trích kinh phí bảo đảm việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi cho từng loại dự án, tiểu dự án
Thông tư 61 kế thừa quy định tại Thông tư 74 khi quy định mức kinh phí bảo đảm việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi cho các dự án, tiểu dự án được tính dựa trên khối lượng công việc thực tế và áp dụng mức khống chế tỷ lệ 2% tổng chi phí bồi thường, riêng đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì được miễn áp dụng mức khống chế.
Tuy nhiên, trong các dự án, tiểu dự án không thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn bị áp dụng mức khống chế 2%, Thông tư 61 còn phân thành 02 loại với 02 chế độ tính các kinh phí khác nhau, cụ thể:
- Đối với các dự án, tiểu dự án không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án[1].
- Đối với các dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án; mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế[2].
Bổ sung nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất
Tại Thông tư 74, việc chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất bao gồm 02 nội dung chính:
- Chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; và
- Chi tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất.
Thông tư 61 bổ sung thêm 01 nội dung chi nữa là: “Chi tiền lương, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường liên quan đến việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất theo cơ chế tài chính áp dụng đối với tổ chức đó”[3]. Trong đó, chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương được xác định theo quy định hiện hành của pháp luật.
Sửa đổi quy trình lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm
Quy trình lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm tại Thông tư 74 là thống nhất chung cho tất cả dự án, song, theo Thông tư 61, quy trình này đã có sự khác nhau giữa từng loại dự án, cụ thể:
- Đối với dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ nội dung chi, mức chi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư 61 và khối lượng công việc dự kiến phát sinh để lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có)[4].
- Đối với dự án, tiểu dự án không thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn:
- Đối với các dự án, tiểu dự án do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Việc lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm thực hiện như đối với trường hợp dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Đối với các dự án, tiểu dự án do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ mức trích kinh phí theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư 61 để xác định kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Các dự toán của các dự án, tiểu dự án sau khi được lập phải được gửi cho cơ quan có thẩm quyền để thẩm định và phê duyệt.
Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là đơn vị sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm bên cạnh Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường
Trước đây, việc sử dụng kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm chỉ do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thực hiện, tuy nhiên, Thông tư 61 đã giao nhiệm vụ này thêm cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư – đơn vị mới được quy định tại Thông tư 61, chuyên làm nhiệm vụ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm.
Việc sử dụng và quyết toán kinh phí của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư về cơ bản tương tự như quy định cũ tại Thông tư 74 đối với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường.
Sửa đổi quy trình lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất
Tại Thông tư 74, quy trình này trùng với quy trình lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, nhưng đến Thông tư 60 đã được tách riêng và quy định theo hướng đơn giản hơn, chỉ cần căn cứ nội dung chi và mức chi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư 61, không cần căn cứ khối lượng công việc thực tế để lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Ngoài ra, quy trình này cũng được áp dụng chung cho tất cả dự án, tiểu dự án.
Thông tư 61 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2022.
[1] Điểm b Khoản 1 Điều 3 Thông tư 61.
[2] Điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư 61.
[3] Khoản 3 Điều 4 Thông tư 61.
[4] Điểm a Khoản 1 Điều 6 Thông tư 64.
Bình luận: