QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN KHI XÁC ĐỊNH THỜI HẠN GÓP VỐN/ THANH TOÁN CỔ PHẦN CHO DOANH NGHIỆP

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN KHI XÁC ĐỊNH THỜI HẠN GÓP VỐN/ THANH TOÁN CỔ PHẦN CHO DOANH NGHIỆP

2023-10-10 15:18:34 814

Khi thực hiện hồ sơ tăng vốn cho các doanh nghiệp, nhiều khách hàng của chúng tôi băn khoăn về thời hạn góp vốn/ thanh toán cổ phần bởi không phải lúc nào các thành viên góp vốn/ cổ đông cũng có thể tiến hành góp vốn ngay hoặc cùng một lúc. Vậy quy định pháp luật và thực tiễn về vấn đề này thế nào? Hãy cùng ATA Legal Services tìm hiểu thông qua chuyên đề về “QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN KHI XÁC ĐỊNH THỜI HẠN GÓP VỐN/ THANH TOÁN CỔ PHẦN CHO DOANH NGHIỆP” dưới đây.

1. Các trường hợp phát sinh nghĩa vụ góp vốn/ thanh toán cổ phần cho doanh nghiệp

Khi muốn trở thành thành viên góp vốn/ cổ đông của một doanh nghiệp, các thành viên/ cổ đông có thể sẽ phát sinh nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp (nộp/ thanh toán tiền cho doanh nghiệp hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản của thành viên/ cổ đông sang sở hữu của doanh nghiệp) hoặc với các thành viên góp vốn/ cổ đông khác (nộp/thanh toán tiền cho thành viên/ cổ đông khác hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản của cổ đông sang sở hữu của thành viên/ cổ đông khác) của doanh nghiệp đó. Theo đó, nghĩa vụ góp vốn/ thanh toán cổ phần cho doanh nghiệp sẽ phát sinh trong các trường hợp dưới đây:

  1. Các thành viên góp vốn/ cổ đông sáng lập góp vốn/ thanh toán cổ phần đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp;
  2. Các thành viên góp vốn/ cổ đông góp thêm vốn/ thanh toán cổ phần phát hành thêm khi công ty tăng vốn điều lệ;
  3. Các nhà đầu tư góp vốn vào công ty Trách nhiệm hữu hạn trong trường hợp công ty kêu gọi thêm thành viên góp vốn hoặc các nhà đầu tư mua cổ phần phát hành riêng lẻ của công ty cổ phần.

Vấn đề đặt ra là, việc góp vốn/ thanh toán cổ phần trong các trường hợp trên được thực hiện trong thời hạn thế nào được coi là hợp pháp? Doanh nghiệp có thể chủ động quy định về thời hạn góp vốn hay phải tuân thủ theo quy định pháp luật trong mọi trường hợp?

2. Thời hạn góp vốn/ thanh toán cổ phần khi thành lập doanh nghiệp là 90 ngày?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, thời hạn góp vốn/ thanh toán cổ phần đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp Hội đồng Thành viên (“HĐTV”)/ Hội đồng Quản trị (“HĐQT”) cho phép thì các thành viên góp vốn/ cổ đông sáng lập được tiếp tục hoàn thiện nghĩa vụ góp vốn của mình trong vòng 30 ngày tiếp theo trước khi công ty bắt buộc phải làm thủ tục ghi nhận giảm vốn điều lệ theo mức vốn thực góp.

Mặc dù Luật quy định rằng trong thời hạn 30 ngày “gia hạn” nói trên, HĐTV /HĐQT sẽ có quyền phân phối lại số cổ phần chưa thanh toán hoặc phần vốn góp chưa góp đủ cho cổ đông sáng lập/ thành viên góp vốn khác hoặc các nhà đầu tư mới nhưng trên thực tế, việc thay đổi phương án/ tỷ lệ góp vốn/ sở hữu cổ phần thường ít khi diễn ra bởi: (i) các cổ đông sáng lập/ thành viên góp vốn ban đầu sẽ là những người tham gia hoặc cử đại diện tham gia HĐQT/ HĐTV của doanh nghiệp nên bản thân họ sẽ luôn có tiếng nói khi xem xét, thông qua các quyết định liên quan đến việc phân phối lại cổ phần/ phần vốn góp; và (ii) bản thân các cổ đông sáng lập/ thành viên góp vốn ban đầu đã có những hiểu biết về nhau, thoả thuận và ràng buộc với nhau từ trước nên việc thay đổi nội dung đã thoả thuận hay để cho một nhà đầu tư khác tham gia vào công ty sẽ chỉ là phương án cuối cùng. Do đó, về mặt nguyên tắc, nếu các cổ đông sáng lập/ thành viên góp vốn vẫn có nhu cầu tiếp tục thanh toán cổ phần/ góp vốn thì họ sẽ luôn có quyền ưu tiên.

Như vậy, cả về mặt pháp lý và trên thực tiễn, thời hạn góp vốn/ thanh toán cổ phần khi thành lập tối đa sẽ là 120 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3. Thời hạn góp vốn, thanh toán cổ phần khi công ty tăng vốn điều lệ

3.1. Đối với doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng[1]:

Đối với các doanh nghiệp thông thường – không phải là công ty đại chúng, việc chào bán thêm cổ phần (đối với công ty cổ phần) hoặc góp thêm vốn (đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn) để tăng vốn điều lệ sẽ chịu sự điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp.

Hiện nay, đối với trường hợp công ty tăng vốn điều lệ, pháp luật không có quy định cụ thể về thời hạn các thành viên/ cổ đông phải góp đủ số vốn cam kết/ thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua tính từ thời điểm đăng ký góp/mua. Trên thực tế, thời hạn này sẽ được quy định tại Điều lệ công ty hoặc các nghị quyết, quyết định của HĐTV/ Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) hoặc HĐQT trong trường hợp được ĐHĐCĐ giao nhiệm vụ. Xét về mặt thông lệ, các doanh nghiệp thường áp dụng thời hạn thanh toán mua cổ phần phát hành thêm hoặc thời hạn góp thêm vốn để tăng vốn điều lệ (cũng chính là thời hạn triển khai việc chào bán cổ phần/ góp vốn) trong một thời hạn kéo dài không quá 01 năm kể từ ngày nghị quyết/ quyết định tăng vốn được ĐHĐCĐ/ HĐTV thông qua. Đây cũng là khoảng thời gian được coi là hợp lý và có thể được chấp thuận bởi cơ quan đăng ký kinh doanh khi tiến hành nộp hồ sơ đề nghị ghi nhận việc tăng vốn.

Vậy những lý do nào khiến khoảng thời gian không quá một (01) năm được coi là hợp lý và được chấp thuận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền? Theo chúng tôi, điều này đến từ các cơ sở pháp lý và thực tiễn sau đây:

  1. Về mặt pháp lý, Luật Doanh nghiệp yêu cầu các doanh nghiệp (công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên) phải tổ chức họp ĐHĐCĐ (“ĐHĐCĐ”) thường niên và họp HĐTV (“HĐTV”) định kỳ mỗi năm một lần. Một trong những nội dung quan trọng trong các cuộc họp thường niên/ định kỳ là xem xét, quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp. Điều này được hiểu là các nghị quyết, quyết định được ĐHĐCĐ/ HĐTV thông qua trong năm liên quan đến sự phát triển, kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp sẽ đều phải được báo cáo quá trình thực hiện/ triển khai và xem xét, đánh giá để quyết định việc tiếp tục triển khai hoặc dừng lại phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp tại thời điểm đó. Các nghị quyết/ quyết định về việc tăng vốn điều lệ chắc chắn là các văn bản có nội dung và vai trò đóng góp trọng yếu trong đường lối, định hướng phát triển và có ý nghĩa quyết định đối với các chiến lược, kế hoạch hoạt động kinh doanh của Công ty. Trường hợp tới thời điểm họp thường niên/ định kỳ mà việc tăng vốn đã hoàn thành, ĐHĐCĐ/ HĐTV của doanh nghiệp sẽ xem xét, thông qua các quyết sách liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn mới vào các chiến lược, kế hoạch mới; ngược lại, nếu thời điểm đó mà việc tăng vốn vẫn chưa hoàn thành, ĐHĐCĐ/ HĐTV của doanh nghiệp sẽ phải thông qua nghị quyết/ quyết định mới liên quan đến phương án tăng vốn và vấn đề triển khai các công việc liên quan. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tự đánh giá về tính thành công hoặc không thành công của đợt chào bán cổ phần/ góp thêm vốn, đồng thời phải đưa ra quyết định triển khai tăng vốn trên cơ sở giá trị thanh toán cổ phần/ vốn góp thực tế hoặc huỷ toàn bộ đợt chào bán/góp vốn để tiến hành đợt chào bán mới hoặc chào bán cho những đối tượng mới.
  2. Xét về thực tiễn, việc tăng vốn điều lệ thường nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính cấp thiết của doanh nghiệp như triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc cơ cấu lại nguồn vốn, khoản nợ của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ cần phải được bổ sung nguồn vốn trong thời gian càng sớm càng tốt.

3.2. Đối với doanh nghiệp là công ty đại chúng

Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán quy định rõ về thời hạn phân phối chứng khoán chào bán/ phát hành thêm như sau:

Tổ chức phát hành phải hoàn thành việc phân phối chứng khoán trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực. Trường hợp tổ chức phát hành không thể hoàn thành việc phân phối chứng khoán ra công chúng trong thời hạn này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét gia hạn việc phân phối chứng khoán nhưng tối đa không quá 30 ngày. Trường hợp đăng ký chào bán chứng khoán cho nhiều đợt thì khoảng cách giữa đợt chào bán sau với đợt chào bán trước không quá 12 tháng.”[2]

Tổ chức phát hành phải hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận.[3]

Theo đó, đối với công ty đại chúng, thời hạn chung để phân phối cổ phần phát hành thêm đều là 90 ngày kể từ ngày được chấp thuận bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Riêng đối với trường hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng, thời hạn này có thể gia hạn thêm không quá 30 ngày nhưng phải được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo quy định của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP, việc đăng ký mua và thanh toán tiền mua cổ phần phát hành thêm là một trong những hạng mục công việc phải hoàn thành trong thời hạn phân phối chứng khoán nêu trên. Chính vì vậy, có thể hiểu, thời hạn thanh toán tiền mua cổ phần sẽ không vượt quá thời hạn phân phối cổ phần – tức 90 ngày hoặc trong trường hợp được gia hạn là 120 ngày của đợt chào bán.

Thực tế là, các công ty đại chúng thường để thời hạn đăng ký mua và thanh toán tiền mua cổ phần trong khoảng thời hạn từ 20 – 30 ngày, trong đó, thời hạn đăng ký mua không thấp hơn 20 ngày theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Chứng khoán.

Trên đây là những nội dung về thời hạn góp vốn của doanh nghiệp được ATA Legal Services phân tích từ quy định pháp luật hiện hành và đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn. Mong rằng bài viết này của chúng tôi sẽ giúp các quý khách hàng hoặc các luật sư đồng nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp có hướng giải quyết phù hợp để việc triển khai tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp lại vừa phù hợp với quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

[1] Trong phạm vi bài viết này, ATA không đề cập đến các doanh nghiệp là các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, ngoài chịu sự điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp nói chung, còn chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản luật chuyên ngành như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán có thể có những quy định riêng liên quan đến vấn đề góp vốn/mua cổ phần trong quá trình thành lập hoặc tăng vốn điều lệ.

[2] Khoản 4 Điều 26 Luật Chứng khoán

[3] Khoản 3 Điều 48 Nghị định 155/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi