SẼ ÁP DỤNG CÁC TIÊU CHUẨN BẮT BUỘC KÈM CHẾ TÀI VỀ SỬ DỤNG ĐIỆN HIỆU QUẢ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC NGÀNH, LĨNH VỰC CÓ MỨC TIÊU THỤ ĐIỆN CAO

SẼ ÁP DỤNG CÁC TIÊU CHUẨN BẮT BUỘC KÈM CHẾ TÀI VỀ SỬ DỤNG ĐIỆN HIỆU QUẢ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC NGÀNH, LĨNH VỰC CÓ MỨC TIÊU THỤ ĐIỆN CAO

2023-05-19 18:30:18 979

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (“Quy hoạch điện VIII”). Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải và hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Dưới đây, ATA xin gửi tới những cập nhật về các nội dung trọng yếu tại Quy hoạch điện VIII:

1. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Quy hoạch điện VIII chú trọng phát triển, gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện,…) trong cơ cấu nguồn điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch, nhiệt điện than sẽ không được ưu tiên phát triển mở rộng, chỉ thực hiện tiếp các dự án nhiệt điện than đã có trong Quy Hoạch điện VII và dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Nguồn nguyên liệu của nhiệt điện than được định hướng chuyển đổi sang sinh khối và aminiac. Quy hoạch điện VIII cũng nêu định hướng xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

2. Tạo tiền đề khuyến khích đầu tư tư nhân đối với các dự án truyền tải

Có một thực tiễn tại Việt Nam thời gian vừa qua là “nguồn điện thừa nhưng vẫn thiếu điện”. Nguyên nhân chính đó là hệ thống mạng lưới truyền tải chưa đủ đáp ứng. Chính vì vậy, tại Quy hoạch điện VIII cũng đưa ra các định hướng, giải pháp để giải quyết và tạo hành lang pháp lý cho các dự án truyền tải, cụ thể:

  1. Tập trung phát triển lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV bảo đảm khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện;
  2. Định hướng giảm truyền tải điện đi xa, hạn chế tối đa xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền trước năm 2030;
  3. Nghiên cứu, cụ thể hóa chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải.

3. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư các dự án điện

Một trong những quan điểm phát triển được nêu tại Quy hoạch điện VIII là khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện. Một số giải pháp chính được đề cập như: 

  1. Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cạnh tranh trong thị trường điện. Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (JETP, AZEC, v.v.), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh, v.v.;
  2. Đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác hợp tác công - tư, v.v.) đối với các dự án điện. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện. Tiếp tục đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam;
  3. Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để phát triển các dự án điện.

4. Tăng cường các giải pháp khuyến khích và bắt buộc các doanh nghiệp trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Nhiều trong số các giải pháp tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hướng tới các doanh nghiệp như:

  1. Khuyến khích đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng;
  2. Tăng cường kiểm toán năng lượng;
  3. Đẩy mạnh triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng;
  4. Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng điện hiệu quả đối với những lĩnh vực, ngành có mức tiêu thụ điện cao.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi