SỬ DỤNG SÁNG CHẾ, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP MÀ KHÔNG TRẢ TIỀN ĐỀN BÙ THEO QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN TẠM THỜI CÓ THỂ BỊ XỬ PHẠT LÊN ĐẾN 30 TRIỆU ĐỒNG

SỬ DỤNG SÁNG CHẾ, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP MÀ KHÔNG TRẢ TIỀN ĐỀN BÙ THEO QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN TẠM THỜI CÓ THỂ BỊ XỬ PHẠT LÊN ĐẾN 30 TRIỆU ĐỒNG

2024-05-17 17:41:17 280

Ngày 04/05/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2024/NĐ-CP (“Nghị định 46”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (“Nghị định 99”) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP) với mục tiêu hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Nghị định 46 có một số nội dung đáng chú ý sau:

1. Sửa đổi biện pháp khắc phục hậu quả, bổ sung các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với tên miền

Nghị định 46 bổ sung việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp với quy định tại theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, Nghị định số 46 bổ sung biện pháp ngăn chặn là tạm giữ tên miền thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm: Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

2. Tăng mức phạt đối với một số hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh

Tại Nghị định 99, hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 127 của Luật sở hữu trí tuệ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Quy định mới nâng mức phạt đối với hành vi này lên gấp gần 10 lần so với trước đây, từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Có thể thấy, mức phạt mới có tính ngăn chặn và răn đe cao hơn, đồng thời cũng hợp lý hơn khi xét trong tương quan những thiệt hại mà hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh có thể gây ra cho doanh nghiệp.

3. Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng

Nghị định số 46 bổ sung mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 30.000.000 đối với hành vi:

  • Sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ;
  • Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh hình thức phạt tiền nêu trên, biện pháp khắc phục đối với vi phạm này cũng được bổ sung. Cụ thể, chủ thể vi phạm có hành vi sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời cũng buộc phải trả tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí bị xâm phạm trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.

Nghị định 46 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi