TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA HẢI QUAN CUỐI NĂM VỀ XUẤT XỨ VÀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA HẢI QUAN CUỐI NĂM VỀ XUẤT XỨ VÀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU

2022-11-25 15:29:44 499

Nhằm quản lý và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã có nhiều biện pháp được đưa ra tại Công văn số 5189/TCHQ-GSQL (“Công văn 5189”). Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.

Trước thực trạng đó, ngày 14/11/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4823/TCHQ-GSQL (“Công văn 4823”) đưa ra các biện pháp siết chặt hơn nữa để ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm này trong thời gian từ nay đến hết năm 2022 và đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023.

Công văn 4832 vẫn tiếp tục nêu ra các chỉ đạo như tại Công văn 5189, nhưng nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến công tác kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan, cụ thể như sau:

Đối với hàng hóa xuất khẩu:

  1. Đối tượng kiểm tra: Các sản phẩm hàng hóa là đồ gỗ nội thất, các sản phẩm từ nhựa, lốp xe cao su, dao, kéo, bộ đồ ăn, xe máy địa hình xuất khẩu đi các nước Mỹ, Châu Âu, v.v.
  2. Nội dung kiểm tra: Việc ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa với 02 trường hợp:
  • Trường hợp hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam và trên hàng hóa, bao bì hàng hóa có các dấu hiệu thể hiện xuất xứ Việt Nam: kiểm tra việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định.
  • Trường hợp hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam nhưng trên hàng hóa, bao bì hàng hóa thể hiện xuất xứ của nước ngoài không phải xuất xứ Việt Nam: khi kiểm tra, cơ quan Hải quan phải yêu cầu người khai hải quan cung cấp hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu nếu việc ghi nhãn hàng hóa theo thỏa thuận tại hợp đồng hoặc cung cấp tài liệu hoặc trang web...có thể hiện việc ghi nhãn thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.

Đối với hàng hóa nhập khẩu:

  1. Đối tượng kiểm tra: Các sản phẩm hàng hóa là thực phẩm, rượu, bia, hàng bách hóa, điện, điện tử gia dụng, mỹ phẩm, hàng thời trang, dược phẩm nhập khẩu từ các thị trường trọng điểm để kinh doanh tiêu dùng tại Việt Nam.
  2. Nội dung kiểm tra: 02 nội dung chính cần kiểm tra đó là:
  • Về ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa: Hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan, thông tin nhãn gốc phải bao gồm các nội dung bắt buộc theo quy định. Trường hợp nhập khẩu hàng hóa không có nhãn hoặc nhãn tách riêng ngoài sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm để lẩn tránh xuất xứ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
  • Về sở hữu trí tuệ: Kiểm tra, đối chiếu nội dung khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan với dữ liệu hàng hóa nhập khẩu đã được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng hóa nhập khẩu có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không. Trường hợp có nghi vấn hàng hóa nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì thực hiện tiếp các thủ tục liên quan để xử lý theo quy định. 

Công văn 4823 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi