THÊM NHIỀU QUY ĐỊNH MANG TÍNH SIẾT CHẶT ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ

THÊM NHIỀU QUY ĐỊNH MANG TÍNH SIẾT CHẶT ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ

2022-09-23 15:54:54 612

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển một cách rầm rộ đã bộc lộ rất nhiều rủi ro của phương thức huy động vốn này. Hậu quả của những rủi ro này là vô cùng nghiêm trọng, được thể hiện rõ nét từ sau một vài vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây. Tính nghiêm trọng của các vụ việc đã khiến thị trường này gần như đóng băng.

Trong bối cảnh đó, ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP (“Nghị định 65”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (“Nghị định 153”). Điểm đáng lưu ý là, Nghị định 65 đã bổ sung thêm rất nhiều quy định mang tính siết chặt hơn đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có thể kể đến các nội dung trọng yếu như sau:

1. Hạn chế đối tượng được mua và có thể mua trái phiếu:

Rất nhiều quy định tại Nghị định 65 thể hiện chính sách hạn chế này và đối tượng bị hạn chế là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. Cụ thể:

  • Mệnh giá của trái phiếu được nâng lên gấp 1.000 lần so với quy định cũ. Theo đó, mệnh giá trái phiếu tối thiểu hiện nay là 100 triệu đồng thay vì 100 nghìn đồng như trước đây. Với việc nâng cao giá trị mệnh giá của trái phiếu, chắc chắn rằng sẽ hạn chế tối đa những nhà đầu tư có năng lực tài chính chưa vững và hạn chế tình trạng mua bán trái phiếu tràn lan trên thị trường thứ cấp.
  • Siết chặt điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn là nhà đầu tư chuyên nghiệp của cá nhân. Theo đó, giá trị danh mục chứng khoán mà nhà đầu tư chuyên nghiệp nắm giữ phải đạt giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định theo giá bình quân trong thời hạn tối thiểu 180 ngày liền kề trước và không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Đồng thời việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với cá nhân cũng chỉ có hiệu lực trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Những nhà đầu tư chuyên nghiệp đã được xác định theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP trước đó khi mua trái phiếu doanh nghiệp phải thực hiện xác định theo quy định tại Nghị định 65.

  • Không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức.
  • Nhà đầu tư khi mua trái phiếu phải ký văn bản xác nhận đủ điều kiện, đủ hiểu biết trong việc đầu tư và cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Siết chặt mục đích phát hành trái phiếu

Mục đích phát hành bị thu hẹp: doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các mục đích:

  • Để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư;
  • Cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp; hoặc
  • Mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Các trường hợp phát hành trái phiếu cho mục đích tăng quy mô vốn hoạt động, cơ cấu lại nguồn vốn như quy định tại Nghị định 153 sẽ không còn được chấp thuận.

3. Nhiều tài liệu, nội dung bắt buộc phải cung cấp hoặc làm rõ trong phương án phát hành và bộ hồ sơ chào bán trái phiếu:

  • Phải có xác nhận về tài khoản ngân hàng nhận tiền mua trái phiếu;
  • Phải có các Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện;
  • Nếu là trái phiếu có bảo đảm, phải có tài liệu về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, tài liệu định giá tài sản bảo đảm bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và tài liệu về việc đăng ký biện pháp bảo đảm, tài liệu, thông tin về thứ tự thanh toán của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu khi xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nợ;
  • Báo cáo tài chính chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp đều phải là BCTC đã được soát xét hoặc kiểm toán kể cả là báo cáo tài chính quý 4 hoặc báo cáo tháng gần nhất của năm phát hành trong trường hợp doanh nghiệp chào bán trái phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà chưa có báo cáo tài chính năm được kiểm toán.

Ngoài việc đưa các thông tin liên quan đến các tài liệu cần bổ sung thêm ở trên, Phương án phát hành trái phiếu phải làm rõ các nội dung:

  • Cụ thể mục đích của việc phát hành. Trường hợp để thực hiện dự án đầu tư thì phải nêu cụ thể về tình trạng pháp lý và các rủi ro đầu tư của dự án. Trường hợp để cơ cấu khoản nợ thì phải cụ thể giá trị, kỳ hạn của khoản nợ;
  • Thay vì chỉ nêu, liệt kê tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện phát hành thì Phương án phải thuyết minh rõ, cụ thể về việc đáp ứng điều kiện đó;
  • Phải đưa ra các cam kết liên quan đến việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có);
  • Thuyết minh chi tiết về các chỉ số tài chính làm cơ sở để nhà đầu tư đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp một cách chính xác nhất. Từ đó tự đánh giá về năng lực tài chính và khả năng trả nợ của chính doanh nghiệp;
  • Không chỉ nêu rõ kế hoạch sử dụng vốn mà còn phải làm rõ kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu tạm thời nhàn rỗi trong trường hợp giải ngân theo tiến độ nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

Với việc bổ sung thêm nhiều nội dung trong phương án phát hành, đặc biệt là các nội dung mang tính cam kết của doanh nghiệp, sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể tự ý thực hiện các công việc mà trước giờ vẫn đang quan niệm là “tuỳ nghi”, đặc biệt là vấn đề mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành. Quy định này sẽ hạn chế các trường hợp doanh nghiệp cố ý làm trái gây thiệt hại hoặc tăng nguy cơ rủi ro cho các nhà đầu tư mua trái phiếu.

4. Rút ngắn thời hạn triển khai chào bán trái phiếu

Tất cả các thời hạn triển khai phân phối, chào bán trái phiếu hay công bố thông tin hoàn thành chào bán trái phiếu đều được Nghị định 65 rút ngắn lại so với quy định tại Nghị định 153.

STT

Nội dung

Nghị định 65

Nghị định 153

1

Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán

Không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán

không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán

2

Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt

Tối đa không quá 06 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

3

Thời hạn công bố thông tin về kết quả đợt chào bán

Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu

Theo đánh giá của chúng tôi, việc rút ngắn thời hạn triển khai chào bán trái phiếu sẽ đảm bảo các điều kiện, điều khoản trong phương án phát hành phù hợp nhất với thực tiễn của doanh nghiệp, tránh những sự kiện bất lợi xảy ra trong quá trình phân phối dẫn đến doanh nghiệp không còn đáp ứng được các điều kiện tại thời điểm thông qua phương án phát hành hoặc không có khả năng thực hiện các cam kết đã đưa ra tại phương án phát hành.

5. Bắt buộc trái phiếu phải đăng ký và giao dịch tập trung

Giống như cổ phiếu của công ty đại chúng, trái phiếu phát hành riêng lẻ bắt buộc phải đăng ký và lưu ký tại Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán. Theo đó, toàn bộ quá trình giao dịch của trái phiếu sẽ được giám sát và quản lý bởi các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để tránh trường hợp vi phạm hoặc sai sót, đồng thời cũng đảm bảo tính minh bạch, khách quan, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

Hệ thống đăng ký, lưu ký trái phiếu tại VSD và hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán sẽ chính thức vận hành trong vòng 09 tháng kể từ ngày Nghị định 65 có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi các hệ thống trên chính thức vận hành, trái phiếu đã phát hành còn dư nợ phải đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy định tại Nghị định này.

6. Bắt buộc công khai minh bạch thêm nhiều thông tin về trái phiếu trên chuyên trang của Sở Giao dịch chứng khoán

Chuyên trang trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã được ra đời và chính thức vận hành từ năm 2021. Chuyên trang đã tích hợp các thông tin cơ bản liên quan đến trái phiếu của các doanh nghiệp như:

  • Tên doanh nghiệp phát hành, loại hình doanh nghiệp, địa chỉ liên hệ;
  • Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước, bao gồm: Mã trái phiếu (nếu có); Một số điều kiện, điều khoản chính của các trái phiếu đã phát hành (ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn, hình thức trả lãi, điều khoản mua lại và hoán đổi nếu có); Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, việc thực hiện quyền mua cổ phiếu đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền, việc mua lại trái phiếu trước hạn, việc hoán đổi trái phiếu (nếu có);
  • Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, bao gồm: Khối lượng trái phiếu phát hành thành công; Điều kiện, điều khoản chính của trái phiếu đã phát hành; Thị trường phát hành;
  • Công bố thông tin định kỳ và Công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp phát hành; Tổ chức lưu ký trái phiếu (theo quy định tại thị trường phát hành).

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 65, chuyên trang trái phiếu sẽ cần phải bổ sung thêm nhiều nội dung giúp cho các nhà đầu tư có thể đánh giá về năng lực tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành cũng như mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu, cụ thể:

  • Một số chỉ tiêu tài chính (dư nợ vay trái phiếu (bao gồm tất cả các hình thức vay trái phiếu), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, hệ số tổng dư nợ vay trái phiếu (bao gồm tất cả các hình thức vay trái phiếu)/vốn chủ sở hữu, hệ số thanh toán lãi vay (lợi nhuận trước thuế và lãi vay/lãi vay));
  • Kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm theo quy định;
  • Thông tin về các trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm cam kết: không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư;
  • Thông tin về các trường hợp doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn.

Nghị định 65 đưa ra thời hạn để Chuyên trang giao dịch trái phiếu hoàn thành việc cập nhật các thông tin bổ sung nêu trên là 45 ngày kể từ kỳ công bố thông tin định kỳ gần nhất sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.

7. Đưa ra cơ chế truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vi phạm của các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 14 Nghị định 65, tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm: tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành; tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán; đại diện người sở hữu trái phiếu và tổ chức kiểm toán các báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều không phải là người có liên quan đối với doanh nghiệp phát hành. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Ngoài chế tài dành cho tổ chức phát hành, đây là lần đầu tiên pháp luật gắn trách nhiệm hình sự cho các hành vi vi phạm phát sinh từ các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, xác nhận, hỗ trợ, bảo lãnh trong quá trình phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Điều này sẽ khiến các tổ chức cung cấp dịch vụ phải thận trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong quá trình làm việc, từ đó đảm bảo tính đúng đắn, khách quan của các thông tin, số liệu liên quan đến trái phiếu mà các tổ chức này cung cấp và/hoặc xác nhận.

Có thể nói, Nghị định 65 ra đời sẽ hạn chế, thậm chí là siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động phát hành trái phiếu. Với những quy định mới mang tính chặt chẽ, phương án phát hành mang tính chi tiết, tỉ mỉ, bộ hồ sơ phát hành mang tính phức tạp, đòi hỏi cao, thông tin công bố mang tính đầy đủ, minh bạch, việc phát hành trái phiếu sẽ trở nên khó khăn hơn và chắc chắn không còn là một kênh huy động vốn thường lệ cho tất cả các doanh nghiệp nữa. Thay vào đó sẽ chỉ có những doanh nghiệp có năng lực tài chính vững mạnh, hệ thống thông tin minh bạch, khả năng chịu trách nhiệm cao với cam kết của mình mới có khả năng tham gia vào thị trường này.

Nghị định 65 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Bình luận:

Từ khóa: