THỜI HẠN CHUẨN BỊ XÉT XỬ ĐƯỢC TÍNH CHO TOÀN BỘ VỤ ÁN, KHÔNG TÍNH LẠI THEO THỜI ĐIỂM PHÁT SINH YÊU CẦU BỔ SUNG, YÊU CẦU PHẢN TỐ, YÊU CẦU ĐỘC LẬP

THỜI HẠN CHUẨN BỊ XÉT XỬ ĐƯỢC TÍNH CHO TOÀN BỘ VỤ ÁN, KHÔNG TÍNH LẠI THEO THỜI ĐIỂM PHÁT SINH YÊU CẦU BỔ SUNG, YÊU CẦU PHẢN TỐ, YÊU CẦU ĐỘC LẬP

2024-04-12 19:17:19 116

Ngày 26/03/2024, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 1083/VKSTC-V9 gửi các Viện kiểm sát trực thuộc nhằm giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (“Công văn 1083”); đồng thời hướng dẫn cách hiểu, cách áp dụng thống nhất một số quy định pháp luật chưa rõ ràng. Tại đây, ATA sẽ tổng hợp những hướng dẫn quan trọng được đề cập tại Công văn 1083 như sau:

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự được tính cho toàn bộ vụ án, không tính lại theo thời điểm phát sinh yêu cầu bổ sung, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập

Đặt vấn đề:  Khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 4 tháng. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn tối đa 2 tháng. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn về trường hợp “vụ án có tính chất phức tạp”. Ngoài ra, chưa có quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử khi đương sự bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.

Hướng dẫn:

1.1.Vụ án có tính chất phức tạp được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử là một trong các vụ án sau:

- Liên quan đến nhiều cấp, nhiều địa phương, nhiều cơ quan hoặc có yếu tố nước ngoài, phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ và tuân thủ của nhiều cơ quan, tổ chức dẫn đến việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, giải quyết vụ án mất nhiều thời gian.

- Có quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật.

- Có đương sự là đối tượng chính sách (dân tộc, tôn giáo, người có công...) dẫn đến quá trình giải quyết vụ án có khả năng phát sinh những tình huống nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội địa phương.

- Quá trình giải quyết vụ án có dấu hiệu cho thấy người tiến hành tố tụng có biểu hiện tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan dẫn đến khiếu nại, bức xúc kéo dài.

- Có các quan hệ tranh chấp mới, phát sinh tình huống pháp luật chưa có quy định cụ thể hoặc quy định không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn...

1.2. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử chỉ được thực hiện 01 lần.

1.3. Thời hạn chuẩn bị xét xử tính từ ngày thụ lý vụ án và tính chung cho cả vụ án:

Theo VKSTC, thời hạn chuẩn bị xét xử là để dành cho toàn bộ vụ án, không phụ thuộc vào thời điểm thụ lý từng loại yêu cầu. BLTTDS cũng đã xác định thời điểm muộn nhất đương sự được đưa ra, bổ sung yêu cầu để bảo đảm Toà án có thể thực hiện được các nhiệm vụ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Sau thời điểm này, Tòa án có thể chấp nhận yêu cầu mới nếu việc giải quyết yêu cầu đó trong cùng vụ án là cần thiết và không phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ làm kéo dài thời gian chuẩn bị xét xử.

Trường hợp Tòa án vi phạm quy định của BLTTDS về thời hạn chuẩn bị xét xử thì VKS thực hiện quyền kiến nghị.

2. Nếu không có bên nào yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Toà án vẫn thụ lý cho dù biết rõ thời hiệu khởi kiện đã hết.

Đặt vấn đề: khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố dụng Dân sự (“BLTTDS) năm 2015 quy định Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên; trong khi đó, khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự (“BLDS”) năm 2015 quy định: hết thời hiệu khởi kiện 30 năm thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Vậy khi nguyên đơn khởi kiện mà thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án có thụ lý giải quyết vụ án chia thừa kế không?

Hướng dẫn:

+ Trong vụ án khởi kiện yêu cầu chia thừa kế mà không có bên nào yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện thì Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án theo thủ tục chung, cho dù Toà án biết rõ thời hiệu khởi kiện đã hết.

+ Trường hợp có yêu cầu áp dụng thời hiệu theo khoản 2 Điều 184 BLTTDS mà Tòa án xét thấy thời hiệu khởi kiện đã hết thì đình chỉ việc giải quyết vụ án.

+ Trường hợp đã hết thời hiệu nhưng đương sự yêu cầu Toà án xác định người được hưởng di sản, Toà áp dụng khoản 1 Điều 623 BLDS để xác định di sản thuộc về người đang quản lý di sản đó.

3. Tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất có thể thuộc thẩm quyền của Toà án nơi bị đơn cư trú

Đặt vấn đề: Đối với tranh chấp hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cần xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo nơi có bất động sản hay nơi cư trú của bị đơn.

Hướng dẫn: Công văn 1083 giải thích việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp này căn cứ theo đối tượng tranh chấp, cụ thể:

+ Với đối tượng tranh chấp là hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc theo sự lựa chọn của nguyên đơn (Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện).

+ Với đối tượng tranh chấp là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

4. Nghĩa vụ trong giao dịch không thể định lượng sẽ không được áp dụng quy định về công nhận hiệu lực của giao dịch vi phạm về hình thức do đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ

Đặt vấn đề:  Khoản 1 Điều 129 BLDS năm 2015 quy định: "...Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó...". Vậy xác định các phần nghĩa vụ này như thế nào.

Hướng dẫn:

+ Việc xác định phần nghĩa vụ đã được thực hiện hay chưa phải dựa trên thỏa thuận của các bên trong giao dịch về số lượng, loại công việc, số tiền... phải thực hiện.

+ Trường hợp nghĩa vụ trong giao dịch không thể định lượng được, không thể xác định được bên có nghĩa vụ đã thực hiện được bao nhiêu phần nghĩa vụ thì không áp dụng Điều 129 BLDS để công nhận hiệu lực của giao dịch mà giao dịch đó sẽ vô hiệu do vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức.

5. Hợp đồng đặt cọc quyền sử dụng đất mà người nhận đặt cọc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị vô hiệu

Đặt vấn đề: Trường hợp người nhận đặt cọc là người không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do đất chưa được đấu giá, chưa được tách thửa...) hoặc là người môi giới thì hợp đồng đặt cọc có bị vô hiệu không?

Hướng dẫn:

Do việc đặt cọc là để bảo đảm cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên người nhận đặt cọc phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp.

Nếu người nhận đặt cọc không phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp thì hợp đồng đặt cọc vô hiệu do vi phạm điều kiện về chủ thể.

Tuy nhiên, người nhận đặt cọc chứng minh được là người được chủ sử dụng đất ủy quyền hợp pháp hoặc là người đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa hoàn tất việc sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp hoặc hợp đồng chuyển nhượng không tuân thủ quy định về hình thức nhưng đã thực hiện được ít nhất 2/3 nghĩa vụ trả tiền, giao đất) thì Tòa án có thể công nhận hợp đồng đặt cọc.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi