THÔNG TƯ 09/2022/TT-BGTVT HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP, TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

THÔNG TƯ 09/2022/TT-BGTVT HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP, TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

2022-07-01 10:01:13 415

Ngày 22/6/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 09/2022/TT-BGTVT (“Thông tư 09”) hướng dẫn một số nội dung về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Cụ thể:

Đánh giá về năng lực, kinh nghiệm: Phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000, trong đó, mức yêu cầu tối thiểu để đáp ứng yêu cầu không thấp hơn 60% tổng số điểm và điểm đánh giá từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiếu không thấp hơn 50% điểm tối đa của nội dung đó. Việc đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn về vốn chủ sở hữu; tổng giá trị vốn chủ sở hữu và vốn vay nhà đầu tư có khả năng thu xếp; và tổng số dự án đã thực hiện của các nhà đầu tư liên danh.

Đánh giá về kỹ thuật:

  1. Việc đánh giá về kỹ thuật đối với hồ sơ dự thầy được thực hiện đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh theo quy định tại Điều 38.1 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (“Luật PPP”).
  2. Phương pháp đánh giá: chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 hoặc đánh giá đạt, không đạt. Cụ thể:
  • Trường hợp sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm: Mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu không thấp hơn 70% tổng số điểm và điểm đánh giá của từng nội dung yêu cầu về chất lượng, khối lượng; vận hành, quản lý, kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng; môi trường và an toàn… không thấp hơn 60% điểm tối đa của nội dung đó.
  • Trường hợp sử dụng phương pháp đánh giá đạt, không đạt: Tiêu chuẩn đánh giá là các tiêu chuẩn đánh giá tổng quát, gồm: các tiêu chuẩn chi tiết cơ bản (chiếm không thấp hơn 70% tổng số các tiêu chuẩn chi tiết trong tiêu chuẩn tổng quát đó) và các tiêu chuẩn chi tiết không cơ bản (chiếm không cao hơn 30% tổng số các tiêu chuẩn chi tiết trong tiêu chuẩn tổng quát đó). Trong đó, tiêu chuẩn tổng quát được đánh giá là đạt khi tất cả tiêu chuẩn chi tiết cơ bản được đánh giá là đạt và các tiêu chuẩn chi tiết không cơ bản được đánh giá là đạt hoặc chấp nhận được.

    iii. Việc đánh giá dựa trên nhiều tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; tiêu chuẩn về phương án tổ chức vận hành, quản lý và kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng; tiêu chuẩn về phương án bảo vệ môi trường và an toàn; v.v. Trong đó, nhà đầu tư phải làm rõ các nội dung về tiêu chuẩn chất lượng, tính sẵn có và khả năng ứng dụng thực tiễn của công nghệ; các rủi ro kỹ thuật, công nghệ (nếu có); cách thức đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ổn định, đạt tiêu chuẩn; v.v.

    iv. Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì được xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính – thương mại.

Đánh giá về tài chính – thương mại: Đối với hồ sơ dự thầu hợp lệ, căn cứ quy mô, tính chất của dự án, bên mời thầu phải xác định một trong các phương pháp dưới đây để so sánh, xếp hạng nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về tài chính – thương mại:

  1. Phương pháp so sánh, xếp hạng dựa trên tiêu chuẩn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (VGF) (không áp dụng đối với dự án PPP có tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 70 Luật PPP), các nội dung khác như thời gian hoàn vốn, giá, phí sản phẩm và các yếu tố có liên quan đã được xác định rõ trong hồ sơ mời thầu.
  2. Phương pháp so sánh, xếp hạng dựa trên tiêu chuẩn giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, các nội dung khác như tiêu chuẩn đối với tài sản, dịch vụ thuộc dự án, thời gian thực hiện hợp đồng và các yếu tố có liên quan đã được xác định rõ trong hồ sơ mời thầu.
  3. Phương pháp so sánh, xếp hạng dựa trên tiêu chuẩn lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, các nội dung khác có liên quan đã được xác định rõ trong hồ sơ mời thầu.
  4. Phương pháp so sánh, xếp hạng dựa trên các tiêu chuẩn kết hợp thực hiện theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09.

Lưu ý khi đánh giá về tài chính – thương mại:

  • Trong các phương pháp đánh giá, nhà đầu tư có mức đề xuất thuận lợi nhất sẽ xếp thứ nhất và được đề nghị trúng thầu.
  • Trường hợp nhà đầu tư thuộc đối tượng hưởng ưu đãi thì phải tính toán các nội dung liên quan theo phương pháp đánh giá mà mình sử dụng trước khi thực hiện bước xếp hạng nhà đầu tư theo quy định.
  • Trường hợp kết quả đánh giá về tài chính – thương mại giữa các nhà đầu tư đang ngang nhau, việc xếp hạng nhà đầu tư sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá kỹ thuật.

Đây là những quy định hoàn toàn mới so với trước đây. Theo đó, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất, tuy nhiên, đây mới chỉ là quy định chung, mang tính bao quát. Thông tư 09 của Bộ Giao thông Vận tải bổ sung những hướng dẫn chuyên ngành cho việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án này.

Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi