Ngày 26/04/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 18/2025/TT-BTC (“Thông tư 18”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024). Điểm đáng chú ý của Thông tư 18 là các quy định hướng dẫn hoạt động giao dịch, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch cũng như hoạt động công bố thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức (“Nhà Đầu tư Non-Prefunding”) sẽ được ATA Legal Services cập nhật như sau:
1. Bổ sung trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với giao dịch chuyển cổ phiếu từ tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding sang tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán
Thông tư 18 bổ sung thêm trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống đối với các cổ phiếu, quyền phát sinh từ cổ phiếu (nếu có) từ tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding sang tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán nơi Nhà Đầu tư đặt lệnh trong trường hợp Nhà Đầu tư không xác nhận hoặc xác nhận không thực hiện hoặc xác nhận thực hiện nhưng không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán lệnh mua cổ phiếu theo thoả thuận với công ty chứng khoán trong thời hạn quy định.
Thông tư 18 cũng loại bỏ trường hợp được phép chuyển quyền sở hữu đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán sang tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding nếu việc bán thỏa thuận trên sàn không thực hiện được tại ngày chuyển quyền sở hữu. Theo đó, Nhà Đầu tư Non-Prefunding đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán sẽ buộc phải mua lại cổ phiếu trên sàn, trừ trường hợp được chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCK”).
2. Bổ sung quy định hướng dẫn hoạt động giao dịch và thanh toán giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền khi đặt lệnh của Nhà Đầu tư Non-Prefunding
a) Quy trình thực hiện giao dịch:
(i) Công ty chứng khoán phải xác nhận với VSDC về việc có đủ tiền trên tài khoản tiền gửi để đảm bảo thanh toán cho giao dịch chứng khoán của khách hàng:
+ Công ty chứng khoán phải xác nhận với VSDC về việc có đủ tiền hoặc không có đủ tiền để thanh toán cho nghĩa vụ phải trả của Nhà Đầu tư Non-Prefunding.
+ Trường hợp xác nhận có đủ tiền thanh toán: Công ty chứng khoán phải có đủ tiền trên tài khoản tiền gửi để ngân hàng thanh toán, ngân hàng lưu ký phong tỏa, đảm bảo thanh toán cho giao dịch chứng khoán của Nhà Đầu tư Non-Prefunding theo nghĩa vụ thanh toán do VSDC thông báo.
+ Trường hợp xác nhận không có đủ tiền thanh toán: công ty chứng khoán đề nghị ngân hàng thanh toán phong tỏa số tiền mua chứng khoán đã có, thông báo cho VSDC thông tin chi tiết giao dịch thiếu tiền để VSDC loại bỏ thanh toán giao dịch này.
(ii) Công ty chứng khoán thiếu tiền chỉ không bị loại bỏ giao dịch khi Tổng các giá trị giao dịch thiếu tiền này tại công ty chứng khoán không vượt quá hiệu số giữa số tiền đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán và số tiền đã sử dụng quỹ chưa hoàn trả của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ tiền cho các giao dịch vào ngày thanh toán;
(iii) Nguyên tắc loại bỏ giao dịch do thiếu tiền:
+ Tổng giá trị các giao dịch thiếu tiền còn lại không bị loại bỏ của Nhà Đầu tư Non-Prefunding tại các công ty chứng khoán trong cùng ngày không vượt quá 50 tỷ đồng;
+ VSDC xử lý giao dịch theo thứ tự thời gian, ưu tiên không loại bỏ giao dịch của công ty chứng khoán nào gửi thông báo thông tin giao dịch thiếu tiền trước và ưu tiên giao dịch mua cổ phiếu thiếu tiền được xác lập trước của công ty chứng khoán đó. Công ty chứng khoán có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ tiền cho các giao dịch không bị loại bỏ vào ngày thanh toán.
(iv) Sau khi VSDC xác nhận hoặc loại bỏ giao dịch, ngân hàng thanh toán/ngân hàng lưu ký sẽ phong tỏa, xác nhận phong tỏa, giải tỏa tiền theo thông báo của VSDC.
b) Quy định về sửa lỗi sau giao dịch
- Các trường thực hiện sửa lỗi sau giao dịch:
+ Công ty chứng khoán thực hiện không chính xác yêu cầu đặt lệnh của nhà đầu tư;
+ Công ty chứng khoán đặt lệnh giao dịch cho nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký khi chưa có xác nhận của ngân hàng lưu ký về số dư tiền, chứng khoán của nhà đầu tư hoặc đặt lệnh sai so với thông tin xác nhận của ngân hàng lưu ký;
+ Ngân hàng lưu ký xác nhận với công ty chứng khoán không chính xác thông tin về số dư tiền, chứng khoán của nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký dẫn đến nhà đầu tư không có đủ tiền, chứng khoán để thanh toán giao dịch chứng khoán;
+ Tài khoản của nhà đầu tư bị thiếu chứng khoán tại thời điểm VSDC chuyển chứng khoán từ tài khoản chứng khoán giao dịch sang tài khoản chứng khoán chờ thanh toán của nhà đầu tư để chuẩn bị thanh toán giao dịch chứng khoán;
+ Giao dịch của nhà đầu tư có thông tin tài khoản lưu ký chưa được đăng ký khu vực thị trường theo quy định tại quy chế của VSDC.
- Việc sửa lỗi được thực hiện bằng hình thức điều chỉnh lệnh giao dịch lỗi thành lệnh giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán.
+ Trường hợp Thành viên lưu ký là ngân hàng lưu ký được thực hiện sửa lỗi thông qua tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán mà ngân hàng lưu ký đã có thỏa thuận sửa lỗi với công ty chứng khoán đó.
+ Trường hợp thành viên lưu ký không có nghiệp vụ tự doanh phát sinh sửa lỗi sau giao dịch, thành viên lưu ký được mở tài khoản lưu ký đứng tên mình để VSDC hạch toán tạm thời số lượng chứng khoán mà thành viên lưu ký được nhận hoặc phải trả từ việc sửa lỗi sau giao dịch vào tài khoản lưu ký chứng khoán đó. Thành viên lưu ký có trách nhiệm bán ngay số chứng khoán này tại phiên giao dịch gần nhất.
c) Quy trình thanh toán giao dịch
+ Nhà Đầu tư Non-Prefunding phải có đủ tiền trên tài khoản trước thời điểm mà theo quy định, công ty chứng khoán phải có đủ tiền trên tài khoản để thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán.
+ Trường hợp Nhà Đầu tư Non-Prefunding không có đủ tiền trên tài khoản, Công ty chứng khoán sử dụng tiền của mình để thanh toán giao dịch mua cổ phiếu thay cho Nhà Đầu tư Non-Prefunding;
+ Công ty chứng khoán có thể sử dụng tiền vay từ quỹ hỗ trợ thanh toán trong phạm vi đóng góp quỹ của công ty chứng khoán để thanh toán thay Nhà Đầu tư Non-Prefunding. Công ty chứng khoán sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định trong trường hợp không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay Nhà Đầu tư Non-Prefunding nêu trên.
(Lưu ý, hoạt động thanh toán cho Nhà Đầu tư Non-Prefunding không đủ tiền trên tài khoản không phải là hoạt động cho vay trong giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán theo quy định).
+ Công ty chứng khoán được phong tỏa, giải tỏa hoặc yêu cầu ngân hàng lưu ký (trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký) phong tỏa, giải tỏa số lượng cổ phiếu đã nhận về từ giao dịch mua cổ phiếu thiếu tiền, tương ứng với số tiền mà công ty chứng khoán đã thanh toán thay. Việc phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trong trường hợp này được thực hiện trên tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.
+ Nhà Đầu tư Non-Prefunding có trách nhiệm xác nhận thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền theo thỏa thuận với công ty chứng khoán trước thời điểm kết thúc phiên giao dịch buổi chiều của ngày công ty chứng khoán thực hiện thanh toán thay và phải thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận với công ty chứng khoán chậm nhất tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch buổi chiều của ngày liền kề sau ngày công ty chứng khoán thực hiện thanh toán thay. Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch này được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và Nhà Đầu tư Non-Prefunding.
+ Trường hợp Nhà Đầu tư Non-Prefunding không xác nhận hoặc xác nhận không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận với công ty chứng khoán, công ty chứng khoán được đề nghị VSDC hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu số cổ phiếu được hạch toán trên tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán ngay trong ngày công ty chứng khoán đã thanh toán thay.
+ Công ty chứng khoán được bán cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán đối với số cổ phiếu nhận về trên tài khoản tự doanh. Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch này được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và Nhà Đầu tư.
3. Hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán của công ty chứng khoán đối với giao dịch liên quan đến cổ phiếu chuyển từ tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding về tài khoản tự doanh
a) Xác định rõ thời điểm tính mốc bắt đầu thời hạn công bố thông tin về giao dịch chuyển quyền sở hữu cổ phiếu từ tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding về tài khoản tự doanh:
Theo quy định tại Thông tư 96, thời hạn 24h phải công bố thông tin về giao dịch chuyển quyền sở hữu cổ phiếu từ tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding thiếu tiền về tài khoản tự doanh của Công ty chứng khoán được tính từ thời điểm Nhà Đầu tư Non-Prefunding không thực hiện mua lại cổ phiếu theo quy định. Như vậy, sẽ có các cách hiểu khác nhau về thời điểm này, có thể là thời điểm công ty chứng khoán nhận được văn bản xác nhận của Nhà Đầu tư Non-Prefunding về việc không thực hiện giao dịch hoặc không thực hiện thanh toán giao dịch cũng có thể là thời điểm kết thúc thời hạn phải xác nhận mà Nhà Đầu tư Non-Prefunding không có phản hồi hoặc cũng có thể là thời điểm Nhà Đầu tư Non-Prefunding không thanh toán hoặc không thanh toán đủ giá trị giao dịch theo thoả thuận với công ty chứng khoán.
Thông tư 18 quy định thời hạn công bố thông tin của Nhà Đầu tư Non-Prefunding là 24 giờ kể từ thời điểm kết thúc thời hạn Nhà Đầu tư phải thanh toán tiền cho công ty chứng khoán. Quy định này rõ ràng hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho các Công ty chứng khoán trong việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin.
b) Miễn trừ nghĩa vụ công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch bán cổ phiếu nhận về trên tài khoản tự doanh:
Theo quy định chung, người nội bộ và người liên quan của người nội bộ công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin về giao dịch trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc. Tuy nhiên, Thông tư 18 quy định rằng, trong trường hợp công ty chứng khoán nhận lại cổ phiếu từ tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding và bán lại cổ phiếu này trên hệ thống giao dịch chứng khoán trong vòng 04 ngày làm việc kể từ ngày cổ phiếu được chuyển về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán, công ty chứng khoán sẽ được miễn trừ nghĩa vụ công bố thông tin đối với người nội bộ và người liên quan của người nội bộ công ty đại chúng nói trên.
Đối với nghĩa vụ công bố thông tin sau giao dịch bán cổ phiếu, công ty chứng khoán thực hiện trong vòng 24h kể từ thời điểm hoàn tất giao dịch, được tính theo mốc:
+ Thời điểm hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán từ tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding;
+ Thời điểm công ty chứng khoán hoàn tất việc bán cổ phiếu nhận về tài khoản tự doanh từ tài khoản của Nhà Đầu tư Non-Prefunding trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Với những quy định nêu trên, Thông tư 18 đã cụ thể hoá và tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức trong giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh cũng như cho các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ các giao dịch loại này. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các giao dịch Non-Prefunding được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để Việt Nam tiệm cận gần hơn với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.
Thông tư 18 có hiệu lực từ ngày 05/05/2025.
Bình luận: