Theo Vietnamnet, ngày 23/10/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh (CCR) để xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường cho Việt Nam. Theo đó, trừ khi được gia hạn, các bên liên quan sẽ có 30 ngày kể từ ngày đăng thông tin tại Công báo Liên bang (ngày 30/10) để nộp ý kiến bình luận (thời hạn đến ngày 29/11/2023) và 14 ngày tiếp theo để nộp ý kiến phản biện (thời hạn đến 13/12/2023). Theo quy trình thủ tục của vụ việc CCR, trừ khi gia hạn vụ việc, DOC sẽ có 270 ngày kể từ ngày khởi xướng để hoàn thành cuộc rà soát này và ban hành kết luận cuối cùng (dự kiến đến ngày 26/7/2024).
Theo quy định pháp luật Hoa Kỳ, việc xác định một quốc gia là có nền kinh tế thị trường dựa trên các tiêu chí sau đây:
- Khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ sang các đồng tiền khác;
- Mức độ tự do thỏa thuận tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động;
- Mức độ mà các hoạt động liên doanh hoặc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài được cho phép trên lãnh thổ nước sở tại;
- Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất;
- Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định về giá cả, sản lượng của các doanh nghiệp;
- Các yếu tố khác mà cơ quan tiến hành điều tra thấy cần thiết.
Hiện nay, Việt Nam đã được 72 quốc gia chính thức công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong hoạt động xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ sang các quốc gia này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ mặc dù là một trong những đối tác vô cùng quan trọng nhưng việc chúng ta chưa được công nhận nền kinh tế thị trường đã khiến cho hàng hoá của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các vụ điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và trên thực tế, nhiều mặt hàng bị áp thuế rất cao, dẫn đến không có khả năng cạnh tranh với các mặt hàng tương đương do Hoa Kỳ nhập từ các quốc gia khác. Do vậy, việc thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận quốc gia có nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong giai đoạn này của Chính phủ Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1335/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại”. Đề án xác định các mục tiêu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, trong đó Bộ Công thương sẽ là đơn vị chủ trì:
- Xây dựng kế hoạch tổng thể các giải pháp pháp lý theo quy trình tố tụng của pháp luật Hoa Kỳ.
- Chủ trì lựa chọn đơn vị tư vấn pháp lý theo thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và sử dụng có hiệu quả tư vấn pháp lý đại diện, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình tố tụng theo pháp luật Hoa Kỳ.
- Nghiên cứu, tổ chức thảo luận vấn đề pháp lý, trưng cầu ý kiến chuyên gia, các Hiệp hội ngành hàng.
- Tham gia các phiên điều trần, giải trình, đối thoại, trao đổi,...với các bên liên quan.
- Thành lập Tổ công tác thường trực về việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền Kinh tế thị trường gồm đại diện của 11 Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
- Tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ cơ chế của việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Đề án cũng đề cao vai trò và sự chủ động tham gia của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân với các trách nhiệm cụ thể như:
- Phối hợp với Bộ Công Thương cung cấp các thông tin, dữ liệu cần thiết.
- Vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và các tổ chức, cá nhân tại Hoa Kỳ.
- Phối hợp vận động sự ủng hộ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hoa Kỳ đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Quyết định 1335 có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
Bình luận: