TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO HƯỚNG DẪN BỔ SUNG CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC XÉT HƯỞNG ÁN TREO

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO HƯỚNG DẪN BỔ SUNG CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC XÉT HƯỞNG ÁN TREO

2022-09-16 14:37:54 436

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ("Nghị quyết 01”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ("Nghị quyết 02”) hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ Luật Hình Sự về án treo ban hành ngày 23/2/2022 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022. Tuy nhiên, vừa qua, ngày 07/9/2022, Toà án nhân dân tối cao ("TANDTC”) đã ban hành Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-TANDTC hợp nhất hai Nghị quyết nêu trên.

Nhân sự kiện này và để quý khách hàng nắm được những nội dung hướng dẫn mới nhất của TANDTC liên quan đến án treo, Công ty Luật ATA sẽ cập nhật các điểm đáng lưu ý tại Nghị quyết 01, cụ thể như sau:

1. Thay đổi theo hướng nới lỏng các quy định về điều kiện nhân thân khi xét cho hưởng án treo

  • Bỏ điều kiện “nhân thân tốt”.

Tại Nghị quyết 02, TANDTC quy định, người được hưởng án treo phải có “nhân thân tốt”, tức là “ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc”.

Nghị quyết 01 đã bỏ các quy định mang tính định tính và chỉ quy định điều kiện “có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc”.

  • Không tính thêm 06 tháng sau thời gian được coi là không có án tích, xoá án tích, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa bị xử lý kỷ luật khi xem xét cho hưởng án treo đối với trường hợp người bị xử phạt tù trước đó đã bị kết án, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
  • Bổ sung thêm các trường hợp vẫn đáp ứng điều kiện về nhân thân khi xét hưởng án treo khi:

+ Người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án”;

+ Người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án).

2. Thêm nhiều loại trừ khi quy định về các trường hợp không được hưởng án treo đồng nghĩa là bổ sung thêm nhiều trường hợp được xem xét hưởng án treo

  • Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã nhưng đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử;
  • Người phạm tội bị xét xử về 02 tội hoặc phạm tội 02 lần trở lên nhưng các tội phạm đã thực hiện đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội tham gia là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;
  • Người phạm tội 02 lần trở lên mà các lần phạm tội do người phạm tội tự thú[1]”.

Việc bổ sung những trường hợp được xem xét hưởng án treo kể trên thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của pháp luật nhất là với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và đã hối cải.

Tuy nhiên, việc TANDTC nới lỏng các quy định này cũng yêu cầu các thẩm phán khi xem xét, xét xử và kết án cần phải hết sức cẩn trọng để đảm bảo đánh giá đúng người đúng tội và đảm bảo tính đúng đắn, tính răn đe của các hình phạt.

[1] Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01 sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi