TOÀ ÁN VẪN TIẾP NHẬN ĐƠN KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI DÙ VIỆC HOÀ GIẢI TẠI ĐỊA PHƯƠNG KHÔNG ĐẢM BẢO HÌNH THỨC THEO QUY ĐỊNH

TOÀ ÁN VẪN TIẾP NHẬN ĐƠN KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI DÙ VIỆC HOÀ GIẢI TẠI ĐỊA PHƯƠNG KHÔNG ĐẢM BẢO HÌNH THỨC THEO QUY ĐỊNH

2024-09-27 20:23:44 73

Ngày 09/09/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC”) đã ban hành Công văn số 3854/VKSTC-V9 (“Công văn 3854”) giải đáp vướng mắc về kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Công văn 3854 có các nội dung đáng chú ý liên quan đến việc thực hiện Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai như sau:

1. Một số hướng dẫn về vấn đề uỷ quyền trong Bộ luật Dân sự:

1.1. Hướng dẫn về phạm vi công việc được phép uỷ quyền

Pháp luật hiện hành không quy định về công việc được ủy quyền, nhưng có quy định về các trường hợp không được ủy quyền. Theo đó, ngoại trừ những trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền, người có quyền, nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Tuy nhiên, công việc được ủy quyền phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: (i) Là các việc xuất phát từ quyền, nghĩa vụ của người ủy quyền theo quy định của pháp luật; (ii) Là các việc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; (iii) Là việc phải thực hiện được; v.v.

1.2. Hướng dẫn xác định thời điểm đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền không có thù lao

Đối với hợp đồng ủy quyền không có thù lao, Điều 569 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên kia biết một thời gian hợp lý.

Theo đó, một bên được đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền kể từ thời điểm được xác định là đã hoàn thành nghĩa vụ báo trước và bên còn lại trong hợp đồng đã nhận được thông báo chấm dứt. Để xác định việc báo trước có bảo đảm “thời gian hợp lý” hay không phải xem xét đối với từng công việc ủy quyền cụ thể, thoả thuận về trách nhiệm báo trước của các bên và thực tế thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong cả quá trình thực hiện hợp đồng (thói quen, tập quán hành xử giữa các bên).

2. Toà án vẫn tiếp nhận đơn khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất trong trường hợp việc hoà giải trước đó không đủ thành phần hoặc không đảm bảo hình thức theo quy định:

Theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, việc khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất phải đáp ứng điều kiện đã qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Tuy nhiên trong thực tế có trường hợp hòa giải không có đủ thành phần theo quy định của pháp luật và có một số Toà án căn cứ vào việc hoà giải không đủ thành phần này để trả lại đơn khởi kiện với lý do không đủ điều kiện khởi kiện.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng việc trả lại đơn khởi kiện với lý do việc hòa giải thiếu thành phần là không đúng. Vệc hoà giải tranh chấp đất đai tại địa phương nhằm đến làm rõ quan điểm, ý chí, nguyện vọng của các bên, giúp các bên thoả thuận, thống nhất được với nhau để chấm dứt tranh chấp chứ không nhằm đưa ra kết luận hoặc quyết định về nội dung tranh chấp. Do vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng “không nên đặt nặng những vấn đề mang tính hình thức của việc hoà giải mà làm chậm trễ việc giải quyết tranh chấp của các bên”

Như vậy, trong trường hợp đơn khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất đã được hoà giải tại địa phương dù không đủ thành phần Hội đồng hoà giải hoặc trình tự/ hình thức hoà giải không đúng quy định, Toà án vẫn sẽ tiếp nhận và/hoặc thụ lý vụ án theo đúng quy định.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi