Ngày 14/10/2022, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế vừa ban hành Quyết định số 1607/QĐ-TCT (“Quyết định 1607”), nêu ra một số nội quy mới trong việc tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Tổng Cục Thuế, thay thế Quyết định 06/QĐ-TCT (“Quyết định 06”). Trong đó, nổi bật nhất là quy định Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế không được phân công/ủy quyền cho người khác thực hiện nghĩa vụ tiếp công dân thay mình.
Theo quy định cũ, việc tiếp công dân có thể được Tổng Cục trưởng phân công lại cho các Phó Tổng Cục trưởng. Đồng thời, trường hợp Tổng cục trưởng, Phó Tổng Cục trưởng được phân công không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã công bố vì lý do khách quan thì có thể ủy quyền cho người có thẩm quyền (như: Chánh Văn phòng hoặc Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ, Trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế có chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng quản lý về lĩnh vực có liên quan) tiếp công dân theo lịch.
Tuy nhiên, theo Quyết định 1607, Tổng Cục trưởng không được phân công lại/ủy quyền cho người khác thực hiện nghĩa vụ tiếp công dân của mình. Lịch tiếp công dân của Tổng Cục trưởng định kỳ là ngày 15 hàng tháng (nếu trùng ngày nghỉ, lễ sẽ chuyển sang ngày làm việc liền kề tiếp theo) và đột xuất khi phát sinh các sự kiện có tính chất phức tạp và/hoặc yêu cầu phải giải quyết gấp. Trong trường hợp Tổng cục trưởng đã có lịch hẹn tiếp công dân nhưng không thể thực hiện tiếp công dân vì lý do khách quan thì lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác đồng thời có văn bản thông báo hoặc thông báo trực tiếp cho công dân biết việc thay đổi lịch, ngày giờ hẹn tiếp công dân lần sau.
Bên cạnh đó, Quyết định 1607 cũng bổ sung các nội dung đáng lưu ý liên quan đến nghĩa vụ công dân khi thực hiện khiếu nại, tố cáo, cụ thể:
Thay đổi địa điểm tiếp công dân:
- Địa điểm cũ: Phòng 708, Tòa nhà VTC Online số 18 Tam Trinh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội;
- Địa điểm hiện tại: Phòng Tiếp công dân, số 123 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Người đại diện cho nhóm người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải là một trong số những người này
Trong trường hợp có từ 05 người trở lên cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện. Người đại diện này phải là một trong những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để đảm bảo hiểu rõ và có trách nhiệm đối với vấn đề đang trình bày. Đồng thời, việc cử người đại diện phải được thể hiện bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Điều này không loại trừ việc tham gia buổi làm việc của các đối tượng như luật sư, người trợ giúp pháp lý, người tư vấn. Tuy nhiên, những đối tượng này sẽ chỉ tham gia trong vai trò hỗ trợ, tư vấn cho những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong việc trình bày, bảo vệ quyền lợi của mình chứ không được thực hiện vai trò thay mặt hay đại diện.
Các trường hợp người đến nơi tiếp công dân có thể bị lập Biên bản và xử lý vi phạm
Người thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc tham gia vào quá trình đó tại nơi tiếp công dân cần nghiêm túc chấp hành các nghĩa vụ của mình theo quy định tại Mục II của Quyết định 1607. Trường hợp xảy ra các hành vi dưới đây, người đến nơi tiếp công dân có thể sẽ bị công chức làm công tác tiếp công dân lập Biên bản vi phạm và yêu cầu cơ quan thẩm quyền xử lý:
- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.
- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Quyết định 1607 có hiệu lực từ ngày ban hành.
Bình luận: