Trước đây, việc xét xử các vụ án liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (“HĐTP”) tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP (“Nghị quyết 03”). Tuy nhiên, với sự ra đời của Bộ luật Dân sự (“BLDS”) năm 2015, nhiều nội dung tại Nghị quyết 03 đã không còn phù hợp. Vừa qua, ngày 06/09/2022, HĐTP đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP (“Nghị quyết 02”) để thay thế Nghị quyết 03 nhằm hướng dẫn áp dụng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ("BTTH”). Nghị quyết 02 gồm nhiều nội dung đáng chú ý như sau:
Nhiều thay đổi trong hướng dẫn về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH
Nghị quyết 02 đưa ra hướng dẫn về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH theo Điều 584.1 BLDS 2015. Theo đó, trách nhiệm BTTH phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
- Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
- Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Theo quy định này, có thể thấy BLDS 2015 cũng như Nghị quyết 02 đã có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến các căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng so với BLDS 2005 và Nghị quyết 03, bao gồm:
- Hành vi gây thiệt hại có thể không cần là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, cứ là hành vi “xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác”, không cần biết vi phạm điều luật nào, cũng đều có thể thuộc trường hợp phải bồi thường thiệt hại.
- Không ràng buộc điều kiện về yếu tố “lỗi” của người gây thiệt hại. Người gây thiệt hại có thể không có lỗi, không ý thức được về hành vi của mình, vẫn có thể phải bồi thường thiệt hại.
- Phân loại rõ ràng các thiệt hại thực tế, cụ thể:
- Thiệt hại vật chất được xác định là những tổn thất về tiền hoặc tính được bằng tiền, cụ thể là (i) thiệt hại về tài sản mà không khắc phục được; (ii) chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; (iii) thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.
- Thiệt hại tinh thần là các tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó.
So với hướng dẫn trước đó, cách quy định tại Nghị quyết 02 rõ ràng và mang tính khái quát hơn, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn xét xử, bảo đảm được quyền lợi của đương sự hơn.
Hướng dẫn chi tiết đối với 1 số nguyên tắc BTTH và giải quyết vụ án về BTTH
- Trong vụ án hình sự và/hoặc vụ án hành chính, nếu phát sinh vấn đề BTTH, Toà án phải ưu tiên/đồng thời giải quyết vấn đề BTTH trước/cùng với việc giải quyết các nội dung khác của vụ án.
- Bên bị thiệt hại có một phần lỗi đối với thiệt hại xảy ra thì không được bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm biết, nhìn thấy trước việc nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn thì thiệt hại sẽ xảy ra và có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra thì bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường thiệt hại.
Ngoài các nội dung nêu trên, Nghị quyết 02 còn có các nội dung hướng dẫn chi tiết về các vấn đề liên quan đến xác định thiệt hại, đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường, v.v.
Nghị quyết này vừa có hiệu lực ngày 01/01/2023.
Bình luận: