TRÁI CHỦ CÓ THỂ CHUYỂN NHƯỢNG TRÁI PHIẾU RIÊNG LẺ TRONG THỜI GIAN CHƯA HOÀN THÀNH VIỆC CHÀO BÁN?

TRÁI CHỦ CÓ THỂ CHUYỂN NHƯỢNG TRÁI PHIẾU RIÊNG LẺ TRONG THỜI GIAN CHƯA HOÀN THÀNH VIỆC CHÀO BÁN?

2022-09-29 10:13:06 1259

Câu hỏi: Trước khi đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ hoàn thành (trái chủ sơ cấp chưa mua hết khối lượng trái phiếu của đợt chào bán) thì số trái phiếu trái chủ sơ cấp đã mua có được mang ra bán cho các nhà đầu tư khác không?

Nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA:

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định: “Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành”. Có thể hiểu trái phiếu doanh nghiệp là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành (người vay tiền) phải trả một khoản tiền cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay). Việc xác lập giao dịch mua bán trái phiếu giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua một hợp đồng mua bán trái phiếu. Theo đó, nhà đầu tư được coi là đã mua trái phiếu khi đã cùng doanh nghiệp phát hành ký kết một hợp đồng mua bán trái phiếu riêng lẻ. Trái phiếu sẽ được phân phối cho nhà đầu tư tương ứng với số lượng, giá trị và các điều kiện, điều khoản nêu trong hợp đồng mua bán đó.

Theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/202/NĐ-CP, trái phiếu được phân phối trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Do đó, có thể xảy ra tình huống trái phiếu được mua bởi nhiều nhà đầu tư và mỗi nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng mua bán trái phiếu và thanh toán tiền mua trái phiếu tại các thời điểm khác nhau. Theo đó, tuỳ vào điều kiện, điều khoản của trái phiếu và hợp đồng mua bán trái phiếu, quyền sở hữu trái phiếu của nhà đầu tư sẽ được xác định tại các thời điểm và bằng các điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, thông thường thì sẽ có các thời điểm để xác định quyền sở hữu trái phiếu của nhà đầu tư là: (i) thời điểm ký hợp đồng mua bán trái phiếu; (ii) thời điểm nhà đầu tư hoàn thành việc thanh toán tiền mua trái phiếu; hoặc (iii) thời điểm hoàn thành đợt chào bán trái phiếu. Như vậy, trong trường hợp đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ chưa hoàn thành, nếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu, thời điểm xác định quyền sở hữu của nhà đầu tư là tại thời điểm (i) và/hoặc (ii) thì khi đó, nhà đầu tư được xác định là đã hoàn thành việc mua và trở thành trái chủ. Xét về mặt quyền lợi, khi đã là trái chủ thì sẽ có đầy đủ quyền bao gồm cả quyền định đoạt, bán trái phiếu cho nhà đầu tư khác.

Tuy nhiên, cả Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP cùng các quy định pháp luật chứng khoán hiện tại đều không quy định rõ về việc mua, bán, thay đổi quyền sở hữu trái phiếu trong thời gian chưa hoàn thành việc chào bán mà chỉ quy định về việc mua bán sau khi công bố thông tin hoàn thành đợt chào bán và khi trái phiếu đã lưu ký và đăng ký giao dịch tập trung trên Sở GDCK. Do đó, trong thời gian chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu, về nguyên tắc, trái chủ sẽ không thể bán trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán nhưng có thể thực hiện chuyển giao quyền sở hữu trái phiếu trên cơ sở các quy định tại hợp đồng mua bán trái phiếu đã giao kết với doanh nghiệp phát hành và quy định pháp luật dân sự hiện hành. Lúc này, các bên – trái chủ, doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mới - có thể thoả thuận để trái chủ chuyển giao và nhà đầu tư mới nhận chuyển giao các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán trái phiếu. Theo đó, giao dịch chuyển giao này của trái chủ, ngoài việc phải được doanh nghiệp phát hành chấp thuận, còn phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến bất kỳ nội dung nào trong phương án phát hành trái phiếu, đồng thời, nhà đầu tư nhận quyền cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để mua trái phiếu theo quy định của pháp luật và phương án phát hành.

Về hình thức chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán trái phiếu: Do pháp luật không quy định số tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu riêng lẻ phải bị phong toả (ngoại trừ trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán) nên chúng tôi đang hiểu rằng doanh nghiệp phát hành sẽ được quyền rút số tiền mà trái chủ đã thanh toán trước đó để hoàn trả cho trái chủ. Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp phát hành và trái chủ được lựa chọn và thực hiện các hình thức chuyển giao dưới đây:

  1. Doanh nghiệp phát hành ký Biên bản thanh lý ghi nhận việc chấm dứt hoặc huỷ bỏ hợp đồng mua bán trái phiếu hiện tại với trái chủ và ký hợp đồng mua bán trái phiếu mới với nhà đầu tư nhận chuyển giao. Theo hình thức này, các bên sẽ ghi nhận việc thanh lý hợp đồng mua bán trái phiếu hiện tại và doanh nghiệp phát hành hoàn trả lại số tiền mua trái phiếu cho trái chủ (sau khi đã khấu trừ các khoản phí, chi phí hợp lệ), đồng thời, nhà đầu tư mới sẽ ký hợp đồng mua bán và thanh toán tiền mua trái phiếu vào tài khoản của doanh nghiệp phát hành;
  2. Doanh nghiệp phát hành cùng trái chủ và nhà đầu tư mới ký Biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ của hợp đồng mua bán trái phiếu. Theo đó, nhà đầu tư mới sẽ có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thoả thuận cho trái chủ để được hưởng đầy đủ quyền lợi liên quan đến trái phiếu. Số tiền mua trái phiếu trên tài khoản của doanh nghiệp phát hành sẽ không bị ảnh hưởng. Biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ của hợp đồng mua bán trái phiếu sẽ là cơ sở để xác định quyền sở hữu trái phiếu của nhà đầu tư mới.

Tại thời điểm hoàn thành việc phát hành, nhà đầu tư mới sẽ được ghi nhận vào danh sách trái chủ. Việc chuyển nhượng trái phiếu sau khi đã công bố thông tin về kết quả đợt chào bán sẽ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi