TRƯỜNG HỢP KHÔNG ÁP DỤNG ƯU TIÊN GIAO QUYỀN NUÔI CON DƯỚI 36 THÁNG CHO NGƯỜI MẸ

TRƯỜNG HỢP KHÔNG ÁP DỤNG ƯU TIÊN GIAO QUYỀN NUÔI CON DƯỚI 36 THÁNG CHO NGƯỜI MẸ

2022-10-28 15:34:01 682

Ngày 14/10/2022, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-CA về công bố án lệ. Quyết định có 04 án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Trong đó, về lĩnh vực hôn nhân và gia đình có Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ trước đó không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn (Sau đây gọi chung là “Quyền nuôi con”) như sau:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

  1. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  2. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, pháp luật hiện hành đưa ra nguyên tắc có tính ưu tiên đối với người mẹ trong việc xác định Quyền nuôi con dưới 36 tháng. Người cha chỉ được Quyền nuôi con nếu chứng minh được (i) người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; và (ii) cha mẹ có thoả thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Tuy nhiên, theo nội dung Án lệ số 54/2002/AL, Toà án đã phán quyết Quyền nuôi con thuộc về người cha trên cơ sở lập luận về vai trò của người mẹ và người cha đối với người con từ khi còn nhỏ đến thời điểm tranh chấp quyền nuôi con, từ đó đưa ra phán quyết theo hướng nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích tốt nhất của người con. Cụ thể, tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hôn nhân gia đình “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K với bị đơn là anh Nguyễn Hữu P, Toà án nhân dân cấp cao tại Tp. Đà Nẵng nhận định: Việc người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường đó. Việc tách người con khỏi cha và giao cho mẹ nuôi dưỡng sẽ gây ra những xáo trộn không đáng có cho cuộc sống của người con, không có lợi cho người con. Chính vì vậy, Toà phán quyết: tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi (cháu T) cho người cha (anh P) trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

Lập luận và phán quyết này của Toà án cấp cao tại Đà Nẵng không hoàn toàn trùng khớp với nội dung quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu trên nhưng phù hợp với nguyên tắc “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em” quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Nội dung này cũng chính là nguyên tắc được ghi nhận tại Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam.

Án lệ số 54/2022/AL được áp dụng trong công tác xét xử kể từ ngày 15/11/2022.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi