TỪ 01/01/2026, THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ CÔNG ÍCH

TỪ 01/01/2026, THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ CÔNG ÍCH

2025-07-05 09:48:08 101

Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định về các trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước/tổ chức xã hội được trao quyền khởi kiện trong phạm vi lĩnh vực mà mình quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ thể này chưa phát huy được vai trò của mình.

Do đó, để khắc phục thực trạng “không có người khởi kiện” và tăng cường cơ chế bảo vệ quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương, cũng như bảo vệ lợi ích công trong các lĩnh vực quan trọng như môi trường, đất đai, tài sản công, an toàn thực phẩm, quyền lợi người tiêu dùng…, ngày 24/6/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 205/2025/QH15 về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công (Gọi tắt là “Vụ án Dân sự Công ích) (“Nghị quyết 205”). Dưới đây là một số nội dung nổi bật đã được ATA Legal Services cập nhật như sau:

1. Định nghĩa Vụ án Dân sự Công ích: Là những vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể gồm:

+ Nhóm chủ thể dễ bị tổn thương, gồm: trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người có khó khăn trong nhận thức, người mất năng lực hành vi dân sự, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn theo quy định.

Trong đó, quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương bao gồm cả quyền nhân thân và quyền tài sản.

+ Nhóm chủ thể lợi ích công: gồm lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc các lĩnh vực: đầu tư công; đất đai, tài nguyên tài sản công khác; môi trường, hệ sinh thái; di sản văn hóa; an toàn thực phẩm, dược phẩm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Những Vụ án Dân sự Công Ích thuộc thẩm quyền khởi kiện của VKSND:

+ Là các trường hợp không có người khởi kiện gồm:

  • Pháp luật chưa quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện;
  • Pháp luật đã quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện nhưng cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không khởi kiện.

+ VKSND chỉ khởi kiện khi đã kiểm tra, xác minh và xác định có vi phạm gây thiệt hại đến quyền dân sự của các chủ thể nêu tại mục 1 và đã thông báo, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định nhưng không có người khởi kiện.

3. Một số điểm đặc thù của Vụ án Dân sự Công Ích:

  • Cho phép VKSND sử dụng nhiều nguồn thông tin để khởi kiện, trong đó có cả từ phương tiện truyền thông hoặc dư luận xã hội. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân (không nhất thiết phải là người bị xâm phạm quyền lợi) cũng có thể trực tiếp gửi thông tin để đề nghị VKSND xem xét và giải quyết.
  • Chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương bị xâm phạm quyền dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đề nghị không khởi kiện. Khi đó, VKSND sẽ đình chỉ việc kiểm tra, xác minh vụ việc.
  • Toà án có trách nhiệm thụ lý theo Đơn khởi kiện của VKSND và Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành bản án có hiệu lực đối với Vụ án Dân sự Công ích.
  • Vụ án bảo vệ lợi ích công thì không được hòa giải và bị đơn không được đưa ra yêu cầu phản tố.

Hi vọng với sự ra đời của Nghị quyết 205, việc bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân/ nhóm người dễ bị tổn thương và lợi ích công sẽ được tăng cường hiệu quả hơn.

Nghị quyết 205 có hiệu lực thi hành trong 3 năm từ 01/01/2026 đến 31/12/2028 thí điểm tại 6 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk. Tại thời điểm Nghị quyết 205 hết hiệu lực thi hành mà vụ án dân sự công ích được giải quyết theo quy định của Nghị quyết này chưa kết thúc thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành xong.

Bình luận: