TỪ 15/05/2024, NHIỀU DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH KHÔNG PHẢI THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

TỪ 15/05/2024, NHIỀU DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH KHÔNG PHẢI THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

2024-05-18 11:54:18 2326

Ngày 10/05/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2024/NĐ-CP (“Nghị định 50”) sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (“Nghị định 136”) và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP (“Nghị định 83”) liên quan đến vấn đề phòng cháy và chữa cháy (“PCCC”). Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 50 liên quan đến vấn đề thẩm duyệt thiết kế PCCC và kiểm tra PCCC như sau:

1. Thu hẹp phạm vi đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC

a. Loại bỏ nhiều dự án, công trình khỏi danh mục đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế PCCC, điển hình như:

+ Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch.

+ Nhà trọ, cơ sở lưu trú khác (không phải là khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên).

+ Quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thuỷ cung (không phải là hoặc không bao gồm cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 3 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500 m3 trở lên).

+ Cửa hàng bách hoá, cửa hàng tiện ích, cửa hàng ăn uống (không phải là Chợ, trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, nhà hàng có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên).

+ Trường đua, trường bắn, cơ sở thể thao khác (không phải là Sân vận động có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên hoặc nhà thi đấu thể thao, cung thể thao trong nhà, trung tâm thể dục, thể thao có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên).

+ Cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện giao thông cơ giới.

b. Quy định chi tiết và giới hạn trường hợp các dự án, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC khi cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến thay đổi các yêu cầu an toàn PCCC, cụ thể là các trường hợp sau:

+ làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy;

+ thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn;

+ giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình;

+ lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy;

+ lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy;

+ thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình.

2. Đơn giản hóa hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Nghị định 50 điều chỉnh quy định về hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC theo hướng cải cách thủ tục hành chính, lược bỏ nhiều thành phần hồ sơ, đặc biệt, không yêu cầu người nộp hồ sơ phải có giấy ủy quyền (trong trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho dơn vị khác nộp hồ sơ) và không yêu cầu phải có bản dịch tiếng Việt của các hồ sơ bằng tiếng nước ngoài.

Theo đó, thành phần hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC hiện nay được quy định như sau:

STT Phân loại Thành phần hồ sơ
1 Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình xây dựng mới

- Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chủ đầu tư (Mẫu số PC06);

- Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình;

- Dự toán xây dựng công trình;

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC quy định.
2 Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thiết kế điều chỉnh theo quy định

- Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chủ đầu tư (Mẫu số PC06);

- Dự toán xây dựng công trình đối với phần cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng;

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC quy định.
3 Thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC

- Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06);

- Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện;

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC quy định.

3. Điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt thiết kế PCCC theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ quan địa phương

Nghị định 50 phân loại rõ ràng hơn thẩm quyền phê duyệt thiết kế PCCC. Theo đó:

a. Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án, công trình có quy mô lớn và tầm quan trọng quốc gia theo quy định; nhà có chiều cao trên 150m; và Công trình xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự.

b. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án, công trình có quy mô nhỏ hơn trên địa bàn quản lý theo quy định và các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn quản lý theo quy định.

Ngoài các quy định nêu trên, Nghị định 50 cũng điều chỉnh các quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; danh mục phân chia thẩm quyền quản lý về PCCC; v.v. tại các Phụ lục đính kèm Nghị định này.

Nghị định 50 có hiệu lực kể từ ngày 15/05/2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi