Kính thưa Quý Khách hàng và độc giả,
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (“Nghị định 08”). Nghị định 08 được đánh giá đã “tháo gỡ” khó khăn cho dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp và tạo tâm lý tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, chủ sở hữu trái phiếu – với tư cách “chủ nợ” của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng đặc biệt quan tâm về việc họ sẽ bị tác động như thế nào từ những quy định của Nghị định 08. Ngoài ra, việc Nghị định 08 ngưng hiệu lực của một số quy định sẽ dẫn đến những hệ quả như thế nào?
Chỉ trong vài ngày sau khi Nghị định 08 được ban hành, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của khách hàng băn khoăn về các vấn đề nêu trên. Nhằm giúp khách hàng và các độc giả quan tâm hiểu rõ hơn những quy định chi tiết, từ đó đánh giá về tác động của Nghị định 08 đối với các chủ sở hữu trái phiếu, thông qua Chuyên đề pháp lý đặc biệt này, ATA Legal Services sẽ biên tập và giải đáp các nội dung được khách hàng của chúng tôi đề cập. Hi vọng những giải đáp của chúng tôi tại Chuyên đề đặc biệt này sẽ giúp Quý vị có được góc nhìn toàn diện hơn về các quy định tại Nghị định 08. Thông qua đây, chúng tôi cũng hi vọng có thể giúp các nhà đầu tư thêm hiểu biết, nắm vững quy định pháp luật, từ đó thêm yên tâm, tin tưởng trong quá trình đầu tư trái phiếu trên thị trường.
Câu hỏi 1: Nghị định 08 có một nội dung về ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành. Vậy, hệ quả của việc ngưng hiệu lực thi hành này là gì?
Trước hết, quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về thời gian phân phối trái phiếu của Nghị định 08 dựa trên quy định tại điểm b khoản 1 Điều 153 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quyền quyết định việc ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản mà mình đã ban hành để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. ATA hiểu rằng, trong trường hợp này, khi thị trường trái phiếu gần như “đóng băng”, việc tạm thời giảm/bỏ các điều kiện, thủ tục phát hành hoặc kéo dài thời gian phân phối trái phiếu sẽ là cần thiết để giúp cho các doanh nghiệp phát hành kết nối được thêm nhiều nhà đầu tư có nhu cầu, từ đó khơi thông dòng vốn, phục vụ cho các dự án và/hoặc các hoạt động của mình.
Về hệ quả khi ngưng hiệu lực thi hành, theo nguyên tắc chung, khi bất kỳ quy định nào bị ngưng hiệu lực thi hành, thì quy định đó sẽ không có giá trị bắt buộc thực thi trên thực tế trong thời hạn ngưng hiệu lực. Theo đó, những quy định có hiệu lực trước đó sẽ được áp dụng hoặc những nội dung mới thì sẽ tạm thời được bỏ qua như trước đó chưa có quy định.
Dưới đây chúng tôi sẽ liệt kê các quy định ngưng hiệu lực thi hành và sẽ được tạm thời điều chỉnh bởi các quy định tương ứng trong thời hạn từ ngày 05/03/2023 đến hết ngày 31/12/2023 ("Thời Hạn Ngưng Hiệu Lực"), cụ thể như sau:
STT |
Quy định ngưng hiệu lực thi hành |
Quy định tạm thời áp dụng trong Thời Hạn Ngưng Hiệu Lực |
1 |
Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Cơ sở xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ: + Danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. + Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận. |
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được xác định theo điểm d Khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Cơ sở xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ: + Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. + Trong thời hạn 01 năm kể từ thời điểm được công ty chứng khoán xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư không phải thực hiện xác định lại tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi tham gia mua chứng khoán chào bán riêng lẻ, chứng chỉ quỹ thành viên. |
2 |
Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. + Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 06 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên. + Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty đại chúng và công ty không phải là công ty đại chúng; chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty không phải là công ty đại chúng (không bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán): ... Doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu. |
Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 và Điểm c Khoản 1 Điều 11 Nghị định 153/2020/NĐ-CP. + Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên. + Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty đại chúng và công ty không phải là công ty đại chúng; chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty không phải là công ty đại chúng (không bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán): ... Doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu. * Riêng đối với trường hợp các đợt chào bán trái phiếu đã gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán cho Sở giao dịch chứng khoán trước ngày 05/03/2023 mà chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu thì tiếp tục thực hiện theo quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (phân phối trong 30 ngày). |
3 |
Quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản sau: e) Kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. |
Trước đó, tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành không phải là hồ sơ bắt buộc. Theo đó, ATA hiểu rằng, cho đến hết Thời Hạn Ngưng Hiệu Lực, tài liệu này sẽ tạm thời chưa bắt buộc phải cung cấp trong hồ sơ chào bán trái phiếu. * Tuy nhiên, vì các điều khoản quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm này được cụ thể tại Khoản 2 Điều 19 và Khoản 3 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP – những điều khoản gốc được dẫn chiếu làm cơ sở để xây dựng quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nên theo quan điểm của ATA, để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống quy định pháp luật, Nghị định 08 cần ngưng hiệu lực đối với cả các quy định gốc tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP kể trên. |
Liên quan đến việc ngưng hiệu lực thi hành, có một vấn đề là tại Nghị định 08 chưa đưa ra các phương án xử lý cho trường hợp trái phiếu đã tiến hành các thủ tục đăng ký phát hành nhưng chưa hoàn thành các thủ tục công bố thông tin hoặc đã hoàn thành công bố thông tin nhưng chưa hoàn thành việc phân phối khi hết Thời Hạn Ngưng Hiệu Lực. Những nội dung này có thể sẽ gây khó khăn hoặc vướng mắc cho tổ chức phát hành và/hoặc nhà đầu tư trái phiếu và sẽ cần thêm sự giải đáp, hướng dẫn từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Câu hỏi 2: Nghị định 08 cho phép thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Vậy người sở hữu trái phiếu cần phải lưu ý những vấn đề gì khi chấp nhận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản?
Trước hết, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: trái phiếu cũng giống như các hợp đồng, giao dịch mà Quý Khách hàng giao kết, thực hiện, đều phải tuân thủ các điều kiện, điều khoản đã thống nhất, xác lập. Mọi sự thay đổi liên quan đến các điều kiện, điều khoản trước đó chỉ có hiệu lực nếu được sự chấp thuận từ hai phía. Do đó, về vấn đề mà Quý Khách hàng hỏi ở trên, chúng tôi xin lưu ý ba vấn đề sau đây:
+ Thứ nhất: Nghị định 08 mới chỉ cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu và chủ sở hữu trái phiếu “có thể đàm phán” để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Do đó, người sở hữu trái phiếu cần xác định tâm thế phù hợp để có được địa vị ngang bằng với doanh nghiệp phát hành trong quá trình đàm phán.
+ Thứ hai: Việc “đàm phán” để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan và doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản được sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể tiêu chí để xem xét và xác định tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu, nhưng theo ATA Legal Services, tài sản này phải đảm bảo các tiêu chí: (i) Có nguồn gốc hình thành hợp pháp; (ii) là tài sản mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu có toàn quyền sở hữu hoặc được quyền định đoạt việc chuyển quyền sở hữu sang cho người sở hữu trái phiếu một cách hợp pháp; (iii) tài sản đang không bị tranh chấp hoặc là tài sản bảo đảm nghĩa vụ của bất kỳ bên thứ ba nào; và (iv) tài sản phải có thể chuyển quyền sở hữu hoàn toàn và hợp pháp sang cho người sở hữu trái phiếu.
Vì vậy, nhà đầu tư khi đàm phán nhận tài sản thay vì tiền lãi hoặc tiền gốc trái phiếu cần yêu cầu tổ chức phát hành cung cấp các hồ sơ, bằng chứng pháp lý thể hiện tài sản đó đáp ứng các tiêu chí nêu trên (thông tin/tài liệu về nguồn gốc tài sản, chủ sở hữu hiện tại của tài sản, quá trình chuyển giao tài sản (nếu có), tình trạng cầm cố, thế chấp của tài sản…).
+ Thứ ba: Mặc dù Nghị định 08 quy định doanh nghiệp phát hành phải chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản được sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Tuy nhiên, Nghị định 08 chưa quy định cụ thể về thời điểm chuyển giao rủi ro pháp lý đối với tài sản dùng để thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu. Liệu doanh nghiệp phát hành có phải chịu trách nhiệm đối với các trường hợp rủi ro pháp lý đối với tài sản phát sinh sau khi người sở hữu trái phiếu đã chấp thuận phương án nhận thanh toán nợ gốc, lãi bằng tài sản không? Theo quan điểm của ATA Legal Services, với quy định hiện tại, có cơ sở để yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với các rủi ro đối với tài sản dùng để thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu nếu chứng minh được các rủi ro pháp lý đó không phải bắt nguồn từ lỗi của người sở hữu trái phiếu hoặc người sở hữu trái phiếu không biết hoặc không thể biết về những rủi ro tiềm ẩn đối với tài sản đó.
Một vấn đề nữa cũng đặt ra là tại Nghị định 08 không đưa ra cơ sở và phương pháp tính tiền lãi, tiền phạt vi phạm, tiền lãi chậm trả đối với doanh nghiệp phát hành trong trường hợp phát sinh rủi ro pháp lý đối với tài sản dùng để trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Những vướng mắc này khi chưa có hướng dẫn từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình đàm phán với doanh nghiệp phát hành.
Nói tóm lại, để hạn chế rủi ro, chủ sở hữu trái phiếu cần hết sức cẩn trọng trong việc đánh giá tính pháp lý cũng như vấn đề xác định trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành đối với tài sản dùng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Câu hỏi 3: Nghị định 08 cho phép Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Vậy người sở hữu trái phiếu cần phải làm gì khi nhận được thông báo thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu từ Doanh nghiệp phát hành trái phiếu?
Theo quy định trước đây, đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước ngày 16/09/2022 và còn dư nợ đến thời điểm ngày 16/09/2022, thì không được thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu. Tuy nhiên, Nghị định 08 đã điều chỉnh theo hướng cho phép Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
+ Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;
+ Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;
+ Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
+ Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp người sở hữu không chấp thuận phương án đàm phán, kể cả khi việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận đó theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố.
Vì vậy, khi nhận được thông báo thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, chủ sở hữu trái phiếu cần thực hiện một số công việc sau:
+ Yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin về điều kiện, điều khoản trái phiếu được thay đổi. Dành sự quan tâm đặc biệt, tập trung làm rõ và yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu giải thích đầy đủ, rõ ràng chính xác những sự thay đổi về quyền lợi “sát sườn” của mình, những sự thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hồi vốn, khả năng sinh lợi nhuận của nhà đầu tư. Những vấn đề nên được quan tâm hàng đầu là (i) lãi suất danh nghĩa trái phiếu; (ii) phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu; (iii) các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi trái phiếu (nếu có); (iv) việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác (nếu có).
+ Luôn xác định rằng, việc chấp nhận thay đổi là quyền của chủ sở hữu trái phiếu. Từ đó cân nhắc đánh giá rủi ro, lợi ích khi chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trường hợp không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, chủ sở hữu trái phiếu cần thiết phải đàm phán với doanh nghiệp phát hành trái phiếu để giữ nguyên hoặc điều chỉnh điều kiện, điều khoản theo hướng có lợi cho bản thân.
+ Cần chủ động tìm hiểu thông tin về những người khác cùng sở hữu trái phiếu với mình, từ đó hình thành mối liên hệ, sự trao đổi thông tin để thống nhất phương án đàm phán và tạo vị thế đàm phán với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Bình luận: