PHÍ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ ĐỐI VỚI BÊN THỨ BA BẰNG 5% PHÍ BẢO HIỂM BẮT BUỘC ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH TRONG THỜI GIAN XÂY DỰNG

PHÍ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ ĐỐI VỚI BÊN THỨ BA BẰNG 5% PHÍ BẢO HIỂM BẮT BUỘC ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH TRONG THỜI GIAN XÂY DỰNG

2022-08-26 20:00:02 547

Nhằm cụ thể hóa quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo Nghị định 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 và Nghị định 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015, mới đây, ngày 11/8/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 50/2022/TT-BTC (“Thông tư 50”) thay thế cho Thông tư 329/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 (“Thông tư 329”) trước đó.

Theo đó, các điểm nổi bật tại Thông tư 50 mà các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng cần quan tâm có thể kể đến là:

1. Quy định chi tiết về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba

Trước khi Nghị định 20/2022/NĐ-CP[1] được ban hành, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là một loại bảo hiểm không bắt buộc mà nhà đầu tư có thể tự do lựa chọn sử dụng tùy vào nhu cầu của mình. Do đó, các nội dung quy định tại Thông tư 329 trước đó rất sơ sài, mang tính tùy nghi và cho phép các bên tự thỏa thuận.

Tuy nhiên, căn cứ theo Nghị định 20/2022/NĐ-CP, Thông tư 50 đã bổ sung các quy định điều chỉnh chi tiết việc triển khai loại bảo hiểm này.

Theo đó, ngoài những quy định tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP, Thông tư 50 làm rõ các nội dung trọng yếu như sau:

  1. Phạm vi bảo hiểm: Những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có);
  2. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (chi tiết tại mục 2.2.(iv) ở dưới);
  3. Thời hạn bảo hiểm: từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng;
  4. Phí bảo hiểm:
  • Bằng 5% phí bảo hiểm bắt buộc đối với công trình trong thời gian xây dựng.
  • Căn cứ mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa hai mươi lăm phần trăm (25%) tính trên phí bảo hiểm;

2. Quy định chi tiết các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:

2.1. Thông tư 50 quy định chi tiết về 07 trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung phù hợp với quy định tại Điều 6.2 Nghị định 119.

2.2. Ngoài 07 trường hợp loại trừ chung, Thông tư 50 đưa ra các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm riêng cho từng loại bảo hiểm bắt buộc như sau:

(i) Đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng:

  1. Tổn thất phát sinh do lỗi thiết kế của nhà thầu tư vấn đối với công trình xây dựng.
  2. Tổn thất do hiện tượng ăn mòn, mài mòn, oxy hóa.
  3. Tổn thất do hiện tượng mục rữa và diễn ra trong điều kiện áp suất, nhiệt độ bình thường (quy định này chỉ áp dụng đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư này).
  4. Tổn thất do hiện tượng kết tạo vẩy cứng như han gỉ, đóng cặn hoặc các hiện tượng tương tự khác (quy định này chỉ áp dụng đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư này).
  5. Chi phí sửa chữa, thay thế, chỉnh sửa khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề. Loại trừ này chỉ áp dụng đối với tổn thất của các hạng mục bị ảnh hưởng trực tiếp, không áp dụng đối với tổn thất của các hạng mục khác là hậu quả gián tiếp do khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề.
  6. Tổn thất hay thiệt hại chỉ phát hiện được vào thời điểm kiểm kê.

(ii) Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng:

  1. Tổn thất phát sinh do nhà thầu tư vấn cố ý lựa chọn phương pháp thi công, tính toán, đo đạc, thiết kế, sử dụng vật liệu chưa được thử nghiệm.
  2. Chi phí thiết kế lại hoặc sửa bản vẽ, kế hoạch, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hoặc danh mục tài liệu hướng dẫn kỹ thuật.
  3. Tổn thất phát sinh do nấm mốc.
  4. Tổn thất do việc tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng dẫn đến gây ô nhiễm, nhiễm bẩn đối với môi trường và bên thứ ba.
  5. Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.
  6. Tổn thất phát sinh từ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

(iii) Đối với bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường:

Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.

(iv) Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba:

  1. Tổn thất phát sinh từ sự ô nhiễm hoặc nhiễm bẩn. Loại trừ này không áp dụng đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh từ sự ô nhiễm hoặc nhiễm bẩn do rủi ro bất ngờ, không lường trước được.
  2. Thiệt hại đối với tài sản trên mặt đất hay sức khỏe, tính mạng do bộ phận chịu lực và địa chất công trình bị dịch chuyển hay suy yếu gây ra.
  3. Thiệt hại là hậu quả của tai nạn gây ra bởi xe cơ giới hay các phương tiện tàu thuyền, xà lan hay máy bay đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với bên thứ ba.
  4. Trách nhiệm là hậu quả của các thương tật hay ốm đau gây ra cho người lao động của chủ đầu tư hoặc nhà thầu có liên quan đến công trình được bảo hiểm.
  5. Tổn thất xảy ra đối với tài sản thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của chủ đầu tư hoặc nhà thầu hay của người lao động hoặc công nhân của một trong những người trên.
  6. Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.

Lưu ý: Thông tư 50 không có quy định cho phép công ty bảo hiểm được tùy nghi lựa chọn thêm/bớt hoặc sửa đổi các trường hợp loại trừ nêu trên.

Thông tư 50 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2022.

[1] https://ata-legal.com/tu-ngay-01-07-2022-nha-thau-thi-cong-xay-dung-phai-mua-bao-hiem-bat-buoc-trach-nhiem-dan-su-doi-voi-ben-thu-ba

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi