QUY ĐỊNH MỚI VỀ BẢO LÃNH NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI NHÀ Ở HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

QUY ĐỊNH MỚI VỀ BẢO LÃNH NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI NHÀ Ở HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

2022-10-14 17:11:45 684

Ngày 30/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN”) ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN (“Thông tư 11”) quy định về bảo lãnh ngân hàng thay thế Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/06/2015 và Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2015/TT-NHNN (sau đây gọi tắt là “Thông tư 07”). Thông tư 11 về cơ bản kế thừa các nội dung quy định tại Thông tư 07, chủ yếu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung tiêu biểu trong Thông tư 11 về vấn đề này như sau:

Bổ sung quy định về nội dung hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Điều 13.5 Thông tư 11 quy định, ngoài các nội dung tại Thỏa thuận cấp bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai còn phải bao gồm các nội dung như:

  1. Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở do chủ đầu tư gửi đến trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;
  2. Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc ngân hàng thương mại hoặc chủ đầu tư có nghĩa vụ gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh;
  3. Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư;
  4. Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua.

Sửa đổi quy định về thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh (cam kết bảo lãnh)

Thông tư 07 quy định thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh) được xác định kể từ ngày phát hành cho đến thời  điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Tuy nhiên, Thông tư 11 bổ sung thêm trường hợp ngoại lệ - khi chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh, đồng nghĩa với việc chấm dứt hiệu lực của cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh). Trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành cho các bên mua trước đó vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.

Đơn giản hóa trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Khác với Thông tư 07, quy định chi tiết các bước thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, đi kèm với các thời hạn thực hiện riêng cho từng bước và trách nhiệm cụ thể của các bên trong hợp đồng bảo lãnh tài sản hình thành trong tương lai, Thông tư 11 vẫn giữ nguyên trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo Thông tư 07, song quy định theo hướng trao quyền tự do thỏa thuận cho các bên. Tại đây, Thông tư 11 chỉ quy định các trình tự khung, các quyền và nghĩa vụ chung của các bên để làm cơ sở thực hiện, lược bỏ hết các thời hạn thực hiện cho từng bước, thay vào đó là trao cho các bên liên quan quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện.

Bên cạnh các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lại, Thông tư 11 còn có một số nội dung mới quan trọng như:

  1. Cho phép hoạt động bảo lãnh điện tử (Điều 9);
  2. Cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động (Điều 11). Nội dung này được bổ sung phù hợp với quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được ATA cập nhật tại đây.

Các nội dung khác của Thông tư 11 vui lòng xem chi tiết tại văn bản chính thức.

Thông tư 11 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2023.

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi