Ngày 30/09/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BCT (“Thông tư 14”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2017/TT-BCT (“Thông tư 02”) về phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Thông tư 14 có nhiều nội dung mới liên quan đến loại hình Đơn vị truyền tải điện là thành phần kinh tế tư nhân. Cụ thể gồm những nội dung đáng chú ý sau:
Bổ sung các đơn vị truyền tải điện được phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện
Trên tinh thần của Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 (“Luật 03”), cho phép khu vực kinh tế tư nhân được tham gia vào hoạt động xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải (chi tiết vui lòng xem tại đây), Thông tư 14 đã bổ sung thêm quy định cho phép các thành phần kinh tế khác đầu tư lưới truyền tải điện là một loại hình Đơn vị truyền tải điện, bên cạnh Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia như quy định cũ.
Tuy nhiên, tại đây, Thông tư 14 cũng giới hạn phạm vi áp dụng của mình đối với các “nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải từ sân phân phối của một hoặc một số nhà máy điện để tải công suất của một hoặc một số nhà máy điện đến điểm đấu nối (là điểm nối trang thiết bị, lưới điện và nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia) có thỏa thuận khác với bên mua điện trong việc thu hồi chi phí xây dựng, quản lý, vận hành, bảo dưỡng của lưới điện truyền tải trên”.
Sửa đổi phương pháp xác định giá truyền tải điện
Theo quy định cũ tại Thông tư 02, việc xác định giá truyền tải điện chưa cụ thể và còn mang nhiều tính định tính, theo đó: “Giá truyền tải điện được xác định hằng năm theo nguyên tắc đảm bảo thu hồi đủ chi phí hợp lý và có lợi nhuận cho phép để vận hành lưới truyền tải điện đạt chất lượng quy định và đáp ứng các chỉ tiêu tài chính cho đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện”.
Thông tư 14 đã bổ sung các tiêu chí cụ thể để xác định giá truyền tải điện, theo đó, hiện nay, “giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.
Sửa đổi cách tính vốn chủ sở hữu để xác định tổng chi phí vốn truyền tải điện cho phép
Vốn chủ sở hữu là một trong những thành phần để tính Lợi nhuận truyền tải điện cho phép dự kiến năm N – tiêu chí để xác định Tổng chi phí vốn truyền tải điện cho phép.
Thông tư 14 bổ sung cách tính Vốn chủ sở hữu đối với các Đơn vị truyền tải điện, trong đó, riêng đối với các thành phần kinh tế khác đầu tư lưới truyền tải điện (theo Luật 03), Vốn chủ sở hữu là vốn hình thành tài sản truyền tải điện được đầu tư theo quy định tại Điều 6 Luật 03 và các quy định pháp luật có liên quan.
Bổ sung phương pháp tính chi phí nhân công để xác định Tổng chi phí vận hành và bảo dưỡng truyền tải điện cho phép
Thuật ngữ “Chi phí tiền lương” tại Thông tư 02 nay được thay đổi bằng thuật ngữ “Chi phí nhân công” theo Thông tư 14 nhưng nội hàm không thay đổi, vẫn bao gồm chi phí tiền lương và các chi phí có tính chất lương.
Thông tư 14 bổ sung thêm cách tính Chi phí nhân công dựa trên Nguyên giá tài sản cố định truyền tải điện và Tỷ lệ chi phí nhân công (%) do Bộ Công Thương công bố hàng năm, áp dụng trong trường hợp không thể tính Chi phí nhân công dựa trên các chi phí thành phần như quy định cũ.
Bổ sung thời hạn để các Đơn vị truyền tải điện gửi hồ sơ chi phí truyền tải điện về Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Cục Điều tiết điện lực
Thông tư 14 quy định: Trước ngày 01 tháng 11 hàng năm (năm N-1), các Đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm phối hợp, xây dựng và gửi hồ sơ chi phí truyền tải điện năm N về Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tổng hợp, xây dựng giá truyền tải điện năm N, gửi một bản sao báo cáo về Cục Điều tiết điện lực để biết.
Các nội dung khác của Thông tư 14 vui lòng xem tại văn bản chi tiết.
Thông tư 14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 11 năm 2022.
Bình luận: