BÃI BỎ 2 TRƯỜNG HỢP HÀNG HÓA NHẬP KHẨU ĐƯỢC XEM XÉT MIỄN TRỪ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

BÃI BỎ 2 TRƯỜNG HỢP HÀNG HÓA NHẬP KHẨU ĐƯỢC XEM XÉT MIỄN TRỪ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

2024-01-05 19:26:46 1063

Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Bốn biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm: Chống bán phá giá, Chống trợ cấp, Biện pháp tự vệ, và Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Ngày 28/12/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 42/2023/TT-BCT (“Thông tư 42”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2019/TT-BCT (“Thông tư 37”) quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (“PVTM”) với một số nội dung đáng chú ý sau:

1. Bỏ 2 trường hợp hàng hóa nhập khẩu được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Thông tư 42 đã bãi bỏ 02 trường hợp hàng hóa nhập khẩu trước đó thuộc diện được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định tại Điều 10 Thông tư 37 bao gồm: 

  • Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước; và
  • Hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.

Theo đánh giá của ATA, việc loại bỏ 2 trường hợp này là hoàn toàn phù hợp bởi việc xác định khả năng đáp ứng “đủ” của hàng hóa trên thị trường với việc xác định mục đích nhập khẩu của hàng hóa trong tổng lượng hàng hóa là rất khó khăn, nếu không nói là rất dễ bị lợi dụng bằng những bản báo cáo, kê khai không chính xác hoặc không phù hợp. Do vậy, để đảm bảo tính chính xác và công bằng chung, các trường hợp này sẽ vẫn phải đưa vào điều tra để xác định việc có áp dụng biện pháp PVTM hay không.

Theo đó, phạm vi hàng hóa xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định mới sẽ còn 04 trường hợp sau:

  • Hàng hóa trong nước không sản xuất được;
  • Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;
  • Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
  • Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường hoặc trong trường hợp bất khả kháng dẫn tới thiếu hụt nguồn cung của ngành sản xuất trong nước.

2. Làm rõ tổng thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Thông tư 42 quy định rõ, tổng thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không vượt quá thời hạn có hiệu lực của biện pháp phòng vệ thương mại tương ứng.

Hàng năm, Bộ Công thương xem xét thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ được tiếp nhận vào các thời điểm: (i) có quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời; (ii) có quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức; và (iii) ngày 15/3 và ngày 15/9 hàng năm.

Trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ miễn trừ bổ sung, thời hạn miễn trừ bổ sung được tính theo thời hạn miễn trừ của quyết định miễn trừ ban đầu.

Thông tư 42 có hiệu lực từ ngày 16/02/2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi