Ngày 09/02/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BYT (“Thông tư 02”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, Thông tư 02 bổ sung thêm 01 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội là bệnh COVID-19 nghề nghiệp. Bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
1. Yếu tố gây bệnh được xác định bằng một trong các văn bản sau:
- Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2;
- Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
- Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp theo mẫu quy định;
- Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.
2. Các nhóm đối tượng được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 nghề nghiệp:
- Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế;
- Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2;
- Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2.
3. Quyền lợi đối với những người làm nghề, công việc được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19:
Đối với những người làm nghề, công việc được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 01/02/2020 đến trước ngày 01/04/2023 thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.
Việc bổ sung bệnh COVID-19 vào danh sách bệnh nghề nghiệp là phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi tác hại của bệnh COVID-19 đã để lại nhiều di chứng nghiêm trọng cho người nhiễm, đặc biệt với nhóm đối tượng làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra vừa qua, những người làm trong ngành Y tế đã phải tiếp xúc với nguồn lây rất lớn, độc hại, cộng thêm cường độ làm việc tăng cao, căng thẳng kéo dài. Khi được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp, người lao động được xác định bị nhiễm COVID-19 trong quá trình lao động sẽ được hưởng mọi quyền lợi theo quy định bệnh nghề nghiệp hiện hành, cũng như bù đắp những tổn thất người lao động phải chịu trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, Thông tư 02 cũng đưa ra một số quy định hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp nhằm dễ dàng trong việc triển khai thực hiện.
Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2023.
Bình luận: