CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP VAY VỐN QUỸ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ QUỐC GIA ĐƯỢC XEM XÉT GIA HẠN NỢ, KHOANH NỢ, GIẢM/XOÁ NỢ

CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP VAY VỐN QUỸ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ QUỐC GIA ĐƯỢC XEM XÉT GIA HẠN NỢ, KHOANH NỢ, GIẢM/XOÁ NỢ

2023-05-26 15:51:06 1306

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (“Quỹ”) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các tổ chức tín dụng) cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Các nguyên tắc quản lý và xử lý rủi ro đối với các khoản nợ từ hoạt động cho vay của Quỹ đã được quy định tại Quyết định 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/01/2021. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và có cơ sở cho các bên liên quan trong quá trình triển khai thực hiện, ngày 15/5/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (“BKHCN”) đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BKHCN hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ (“Thông tư 03”).

Một số nội dung nổi bật tại Thông tư 03 được cập nhật dưới đây.

1. Các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro và biện pháp xử lý rủi ro được áp dụng

Doanh nghiệp gặp rủi ro sẽ được Quỹ xem xét xử lý rủi ro trong 04 trường hợp sau:

a. Doanh nghiệp bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai;

b. Doanh nghiệp gặp rủi ro mất khả năng thanh toán trong các trường hợp:

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên (chủ sở hữu là cá nhân) bị mất năng lực hành vi dân sự, bị chết, mất tích, không còn tài sản để trả nợ;
  • Doanh nghiệp đã dừng hoạt động, không còn tài sản và khả năng tài chính để trả nợ;
  • Doanh nghiệp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác dẫn đến không có khả năng hoặc không trả được nợ (gốc, lãi).

c. Doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ mà không thuộc các trường hợp trên;

d. Doanh nghiệp đã hoàn thành việc phá sản.

2. Điều kiện để được áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro

a. Điều kiện chung:

Các doanh nghiệp gặp rủi ro khi áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro phải đảm bảo các điều kiện chung sau:

  • Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong hợp đồng;
  • Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tương ứng với từng biện pháp xử lý rủi ro.

b. Điều kiện riêng:

STT

Biện pháp xử lý rủi ro

Điều kiện riêng

Đối tượng đề nghị

1

Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ/ số tiền trả nợ

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng tại Mục 1(a,b);

- Gặp khó khăn trong kinh doanh dẫn đến không trả được khoản nợ đầy đủ, đúng hạn;

- Có phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ khả thi sau khi được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ.

Doanh nghiệp

2

Gia hạn nợ

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng tại Mục 1(a,b,c);

- Có phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ khả thi sau khi được gia hạn nợ.

3

Khoanh nợ

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng tại Mục 1(a,b,c);

- Gặp khó khăn trong kinh doanh dẫn đến kết quả trong ít nhất 01 năm liền kề trước năm phải xử lý rủi ro bị lỗ hoặc lỗ lũy kế, không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn;

- Có phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ khả thi sau khi được khoanh nợ.

4

Bán nợ

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng tại Mục 1(a,b,c);

- Gặp khó khăn trong kinh doanh dẫn đến kết quả trong ít nhất 01 năm liền kề trước năm phải xử lý rủi ro bị lỗ hoặc lỗ lũy kế, không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn.

Doanh nghiệp hoặc Quỹ

5

Xử lý tài sản bảo đảm

6

Xóa nợ lãi

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng tại Mục 1(a,b,d);

- Gặp khó khăn trong kinh doanh dẫn đến kết quả trong 02 năm liền kề trước năm phải xử lý rủi ro bị lỗ; hoặc còn lỗ lũy kế trong 01 năm trước năm phải xử lý rủi ro (đối với doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 02 năm); không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng (trừ trường hợp doanh nghiệp đã hoàn thành việc phá sản);

- Có phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ còn lại khả thi sau khi được xóa nợ lãi (trừ trường hợp doanh nghiệp bị phá sản);

- Biện pháp này được áp dụng sau khi đã bán nợ/xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ nhưng doanh nghiệp vẫn còn phần nợ lãi còn lại chưa thu hồi được.

7

Xóa nợ gốc

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng tại Mục 1(d);

- Khoản nợ đã/chưa áp dụng biện pháp bán nợ và/hoặc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ gốc, nhưng doanh nghiệp vẫn còn phần nợ gốc còn lại chưa thu hồi được.

Quỹ

3. Cho phép chuyển theo dõi ngoại bảng đối với các khoản nợ khó thu hồi:

  • Quỹ được phép chuyển theo dõi ngoại bảng đối với khoản nợ đã áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm và ít nhất một biện pháp xử lý rủi ro nêu trên nhưng không thu hồi đủ nợ vay (giá trị ghi sổ kế toán của khoản nợ).
  • Sau khi chuyển theo dõi ngoại bảng đối với khoản nợ, Quỹ tiếp tục theo dõi và có các biện pháp thu hồi nợ. Các tổ chức, cá nhân có liên quan không được thông báo dưới mọi hình thức cho doanh nghiệp vay vốn biết về việc chuyển theo dõi ngoại bảng đối với khoản nợ của doanh nghiệp.
  • Xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng:
    • Đối với các khoản nợ của doanh nghiệp gặp rủi ro mất khả năng thanh toán hoặc đã hoàn thành thủ tục phá sản (Nội dung b và d tại Mục 1 ở trên), sau khi kết thúc việc phá sản hoặc sau khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận các sự kiện rủi ro và doanh nghiệp cung cấp các tài liệu chứng minh không còn khả năng để trả nợ;
    • Đối với các khoản nợ còn lại: thời gian chuyển theo dõi ngoại bảng tối thiểu 05 năm và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ.

Thông tư 03 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023.

 

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi