CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KHI XẢY RA TAI BIẾN Y KHOA GÂY KHÓ CHO BỆNH NHÂN VÀ NGƯỜI NHÀ CỦA BỆNH NHÂN

CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KHI XẢY RA TAI BIẾN Y KHOA GÂY KHÓ CHO BỆNH NHÂN VÀ NGƯỜI NHÀ CỦA BỆNH NHÂN

2024-01-05 20:22:27 1303

Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (“Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023”). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Vừa qua, ngày 31/12/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BYT (“Thông tư 32”) quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 tập trung vào các nội dung liên quan đến việc triển khai công tác đào tạo, hành nghề của đội ngũ y bác sĩ cũng như các quyền, nghĩa vụ của người dân trong quá trình khám chữa bệnh. Dưới đây là một số nội dung nổi bật tại Thông tư 32.

1. Quy định chặt chẽ về vấn đề khám sức khỏe

  • Yêu cầu khám sức khỏe đầy đủ các nội dung theo từng chuyên khoa:

Theo quy định tại mẫu giấy khám sức khỏe ban hành tại Thông tư 32, khi đi khám sức khỏe, đối tượng khám sức khỏe lưu ý phải khám đầy đủ các nội dung theo từng chuyên khoa. Trường hợp khó cần hội chẩn hoặc chỉ định làm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định và mức độ bệnh, tật làm cơ sở phân loại sức khỏe. Chỉ trừ trường hợp đối tượng khám sức khỏe thực hiện khám theo yêu cầu và không khám đầy đủ các chuyên khoa theo quy định, thì cơ sở khám sức khỏe chỉ khám, kết luận đối với từng chuyên khoa theo yêu cầu và không phân loại sức khỏe.

  • Hạn chế việc cấp nhiều bản sao Giấy khám sức khỏe:

Theo quy định trước đây, ngoài 01 bản gốc, nếu người được khám sức khỏe có yêu cầu cấp nhiều Giấy khám sức khỏe thì cơ sở khám sức khỏe sẽ tiến hành nhân bản Giấy khám sức khỏe với số lượng theo yêu cầu của người được khám sức khỏe.

Theo Thông tư 32, ngoài 01 bản gốc, người được khám sức khỏe vẫn có thể được cấp nhiều Giấy khám sức khỏe khi có yêu cầu nhưng có sự quản lý chặt chẽ hơn. Theo đó, cơ sở khám sức khỏe thực hiện nhân bản giấy khám sức khỏe theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP – “văn bản được nhân bản theo đúng số lượng được xác định ở phần nơi nhận”, tức là tại Giấy khám sức khoẻ phải nêu rõ số lượng bản và đối tượng nhận Giấy khám sức khỏe này. Quy định này sẽ phần nào khắc phục tình trạng mua, bán, sử dụng Giấy khám sức khỏe giả xảy ra tràn lan trong thời gian vừa qua.

  • Yêu cầu cơ sở khám sức khoẻ phải lưu trữ Giấy khám sức khỏe:

Ngoài việc cấp cho người được khám sức khỏe, Thông tư 32 quy định cơ sở khám sức khỏe phải lưu 01 bản Giấy khám sức khỏe để phục vụ truy xuất thông tin (nếu cần). Điều này vừa để đảm bảo tính trách nhiệm của cơ sở khám sức khỏe, đồng thời cũng hạn chế những hành vi làm giả Giấy khám sức khỏe của các đối tượng xấu.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa

Thông tư 32 quy định việc giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa phải trải qua ít nhất các bước sau đây:

  • Bước 1: Khi xảy ra tai biến y khoa, người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được quyền yêu cầu và bệnh viện hoặc cơ quan quản lý bệnh viện phải thành lập hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân của tai biến y khoa, lỗi của người hành nghề và hình thức xử lý với người hành nghề đó (nếu có).
  • Bước 2: Hội đồng chuyên môn phải ra văn bản kết luận và gửi cho các bên liên quan.
  • Bước 3: Các bên liên quan toàn quyền quyết định việc chấp thuận hoặc không đồng ý với nội dung văn bản kết luận. Trường hợp không đồng ý, thì tiếp tục kiến nghị lên các cơ quan quản lý cấp trên của Bệnh viện/ cơ quan đó cho đến cấp cao nhất là Bộ Y tế.
  • Bước 4: Các cơ quan quản lý cấp trên nhận được kiến nghị phải thành lập Hội đồng chuyên môn và ra văn bản kết luận. Kết luận của Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế lập là văn bản kết luận có giá trị cao nhất.
  • Bước 5: Sau khi nhận được văn bản kết luận có giá trị cao nhất của Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế lập mà các bên liên quan vẫn không đồng ý, khi đó, các bên khởi kiện tại Toà án.

Theo đánh giá của chúng tôi, quy định này sẽ gây khó và hạn chế quyền lợi của người bệnh/người nhà của bệnh nhân trong trường hợp xảy ra tai biến y khoa. Bởi giả sử sự việc tai biến y khoa là có thật, đã xảy ra, người bệnh đã bị ảnh hưởng nhưng với quy trình này, bản thân họ không biết sẽ phải đấu tranh bảo vệ quyền và đòi lợi ích cho mình đến bao giờ. Cụ thể, quy trình giải quyết phải trải qua quá nhiều bước, nhiều cấp trước khi có thể đưa vụ việc tranh chấp ra Toà án. Đồng thời, Thông tư không hề nêu rõ thời hạn mà bệnh viện hay các cơ quan quản lý về y tế phải thực hiện các công việc liên quan cũng như phải ra văn bản kết luận về tai biến y khoa.  

Thông tư 32 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024.

Bình luận:

Từ khóa:  Thông tư 32

,  

khám bệnh

,  

chữa bệnh

,  

sức khỏe

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi