Ngày 22/08/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 979/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (“Quyết định 979”). Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ. Cùng với các quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển (Quyết định 1579/QĐ-TTg), quy hoạch mạng lưới đường sắt (Quyết định 1769/QĐ-TTg), quy hoạch mạng lưới đường bộ (Quyết định 1454/QĐ-TTg) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn nhằm mục tiêu ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý tại Quyết định 979:
1. Mục tiêu cụ thể về phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông quan khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.
Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.
Định hướng đến năm 2050 phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.
2. Quy hoạch hệ thống cảng cạn ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn
Việc phát triển cảng cạn được tập trung tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển[1]. Như vậy, việc phát triển hệ thống cảng cạn kết hợp với hạ tầng cảng biển, đường bộ và tuyến đường sắt kết nối sẽ tạo nên hệ thống logistic, vận tải đồng bộ, hiệu quả cao. Quy hoạch hệ thống cảng cạn được chia thành 3 khu vực: Khu vực phía Bắc, Khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Khu vực phía Nam. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
3. Một số giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng cạn
Một trong những nội dung đáng lưu ý tại Quyết định 979 là đề ra một số giải pháp, chính sách kêu gọi và thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển hệ thống cảng cạn, giải pháp về thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cạn. Một số giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng cạn cụ thể như sau:
a. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cảng cạn nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác cảng cạn bằng nhiều hình thức theo quy định của pháp luật;
b. Hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đa phương thức đến, rời cảng cạn;
c. Thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tín dụng, thuế, giá, phí, lệ phí, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền khai thác cảng;
d. Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn bằng các hình thức theo quy định của pháp luật;
e. Tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh;
f. Triển khai các nền tảng số, kết nối và chia sẻ dữ liệu trong hệ thống kết nối đến các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm chủ hàng, công ty giao nhận, vận tải nội địa, cảng, hãng tàu, cơ quan hải quan...
g. Thực hiện các chính sách đất đai để hỗ trợ cho xây dựng các cảng cạn; gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất;
h. Tăng cường kết nối hệ thống cảng cạn với mạng lưới giao thông vận tải đường sắt, đường thủy nội địa thông qua việc quy hoạch lồng ghép các ga hàng hóa, cảng, bến thủy nội địa phù hợp với cảng cạn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối đường sắt từ cảng cạn vào mạng lưới đường sắt quốc gia theo quy định; xóa bỏ các nút thắt về tĩnh không các cầu vượt sông đối với vận tải container bằng đường thuỷ nội địa.
Quyết định 979 có hiệu lực kể từ ngày 22/8/2023.
[1] Theo quy định tại Quyết định 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bình luận: