ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ SỬA ĐỔI CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THUẾ, ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ SỬA ĐỔI CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THUẾ, ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

2023-08-11 16:07:13 1891

Ngày 28/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2023 (“Nghị quyết 115”). Tại kỳ họp, Chính phủ đã đưa ra các định hướng xây dựng và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật gồm Luật đấu giá tài sản; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế giá trị gia tăng và một số Nghị quyết của Quốc hội quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Một số định hướng xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật đáng chú ý tại Nghị quyết 115 như sau:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

a. Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục đấu giá bảo đảm tính minh bạch, khả thi và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh áp dụng đấu giá trực tuyến;

b. Hoàn thiện quy định về các hành vi vi phạm, biểu hiện “quân xanh, quân đỏ” trong lĩnh vực đấu giá tài sản;

c. Nghiên cứu việc đấu giá một số tài sản đặc thù khác như quyền khai thác đường cao tốc, cổ phần của Nhà nước, mua bán nợ, v.v. và xây dựng quy định chung về đấu giá các tài sản đặc thù để xử lý khi phát sinh các loại tài sản đặc thù khác trong thực tiễn.

Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10 năm 2023.

2. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

a. Về vấn đề Bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: Hiện nay, dự thảo Luật dự kiến bổ sung “nước ngọt, nước tăng lực, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa” vào danh sách đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt. Tại cuộc họp, Chính phủ yêu cầu việc bổ sung đối tượng chịu thuế này cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để tăng tính thuyết phục và thống nhất với các luật liên quan;

b. Xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế;

c. Điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp theo định hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khoẻ.

d. Yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là những đối tượng chịu tác động của chính sách.

Dự án xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024).

3. Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

a. Thu hẹp phạm vi áp dụng các chính sách mang tính ưu tiên, ưu đãi nhằm đảm bảo tính liên hoàn và bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, cụ thể về (i) đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; và (ii) nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 5%;

b. Giữ mức thuế suất theo quy định hiện hành;

c. Nghiên cứu chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Dự án xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024).

4. Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

Hiện nay, Nghị quyết này đang được dự thảo theo hướng: (i) cho phép Nhà nước tham gia các dự án PPP với tỷ lệ không quá 50% nhưng không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; (ii) cho phép UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc và có thể sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư; (iii) Cho phép một địa phương làm cơ quan chủ quản triển khai dự án liên kết vùng trên cơ sở đồng thuận của các địa phương và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Toàn bộ chi phí triển khai dự án sẽ do địa phương chủ quản chi trả, trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư được chia thành dự án thành phần do từng địa phương chịu trách nhiệm chi trả.

Chính phủ lưu ý chú trọng các nội dung sau:

a. Cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội) xem xét, quyết định áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm cho các dự án mới tương tự cần áp dụng thí điểm và báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp gần nhất;

b. Rà soát kỹ lại danh mục các dự án thí điểm: dự án Chơn Thành - Gia Nghĩa, dự án Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng;

c. Thực hiện áp dụng thí điểm trong vòng 5 năm;

d. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết sẽ được báo cáo, xin ý kiến Quốc hội để xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10 năm 2023).

5. Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao

Hiện nay, ATA chưa có thông tin chính thức về dự thảo Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Còn với nội dung dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu cầu được đăng tải trên cổng thông tin của Chính phủ, chúng tôi xác định đây là một dạng áp thuế thu nhập bổ sung dành cho các Tập đoàn đa quốc gia nhằm hạn chế các trường hợp đầu tư ra nước ngoài để trốn thuế hoặc tận dụng ưu đãi thuế suất thấp. Theo đó, các công ty thành viên của Tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, có lợi nhuận tại Việt Nam vượt ngưỡng trong năm tính thuế và có mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn thuế suất tối thiểu trong năm tính thuế phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa. Trong đó, tỷ lệ thuế bổ sung sẽ bằng thuế suất (15%) – thuế suất thực tế.

Dự thảo các Nghị quyết nói trên sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và cho phép xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10 năm 2023).

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi