DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM CHỈ ĐƯỢC CHỦ ĐỘNG ĐIỀU CHỈNH PHÍ BẢO HIỂM ĐỐI VỚI CÁC LOẠI BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRONG PHẠM VI 25%

DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM CHỈ ĐƯỢC CHỦ ĐỘNG ĐIỀU CHỈNH PHÍ BẢO HIỂM ĐỐI VỚI CÁC LOẠI BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRONG PHẠM VI 25%

2023-09-15 19:34:49 1368

Trước đây, các hướng dẫn chi tiết về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được Chính phủ quy định tại ba Nghị định riêng biệt gồm: Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/01/2021 (“Nghị định 03”), Nghị định 23/2018/NĐ-CP ban hành ngày 23/02/2018 (“Nghị định 23”) và Nghị định 119/2015/NĐ-CP ban hành ngày 13/11/2015 (“Nghị định 119”).

Nhằm tạo sự thống nhất và đồng bộ giữa các quy định, ngày 06/09/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định đồng thời ba vấn đề về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nghị định 67 quy định chi tiết hơn so với các nghị định trước đây về phạm vi miễn trừ trách nhiệm bồi thường bảo hiểm, nguyên tắc bồi thường bảo hiểm, phí bảo hiểm, hồ sơ giải quyết bồi thường bảo hiểm làm cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật. Trong bài viết này, ATA Legal Services sẽ phân tích những quy định mới đáng chú ý đối với từng loại bảo hiểm và có tác động đến các doanh nghiệp trong thời gian tới.

A. Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

So với Nghị định 03, Nghị định 67 điều chỉnh, bổ sung một số quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm như sau:

a. Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động xem xét điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm ở mức tối đa 15% trên mức phí bảo hiểm.

b. Doanh nghiệp bảo hiểm được từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong trường hợp xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định.

c. Doanh nghiệp bảo hiểm không được thực hiện hoạt động khuyến mại, chiết khấu thanh toán dưới mọi hình thức.

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường bảo hiểm, Nghị định 67 điều chỉnh, bổ sung một số quy định như sau:

1. Thời hạn bảo hiểm từ 01 đến 03 năm được áp dụng đối với tất cả các loại xe (trước đây tại Nghị định 03, thời hạn bảo hiểm từ 01 đến 03 năm chỉ được áp dụng đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự).

2. Trong thời hạn còn hiệu lực trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới chủ xe cơ giới cũ có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời hạn còn lại của hợp đồng bảo hiểm (Nghị định 03 quy định khi chuyển quyền sở hữu xe thì người mua xe được thừa hưởng các quyền lợi bảo hiểm từ chủ xe cũ). Quy định này là hoàn toàn phù hợp bởi đây là loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, gắn liền với thông tin nhân thân của chủ xe.

B. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

So với Nghị định 23, Nghị định 67 điều chỉnh một số nội dung về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm như sau:

1. Tương tự như bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.

2. Nghị định 67 tăng mức giảm trừ tối đa số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị tại biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy từ 10% lên 20% nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ sở, chủ cơ sở trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

C. Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng

Trước đây, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng được quy định tại Nghị định 119 và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 329/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính (“Thông tư 329”). Cũng giống như các hợp đồng bảo hiểm bắt buộc ở trên, Nghị định 67 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba. Ngoài quy định trên, Nghị định 67 còn một số nội dung quan trọng như sau:

I. Bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng

1. Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng theo Nghị định 67 được xác định rõ chỉ thuộc về Chủ đầu tư (trước đây nhà thầu cũng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này). Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư, Nghị định 67 quy định các hợp đồng bảo hiểm bắt buộc đã giao kết trước ngày 06/09/2023 có hiệu lực và còn thời gian thực hiện hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định trước đây, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp và để áp dụng với Nghị định 67 này.

2. Nghị định 67 đã bãi bỏ quy định Hợp đồng bảo hiểm có thể chấm dứt trong trường hợp Bên mua bảo hiểm không đóng/không đóng đủ phí bảo hiểm.

II. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng

Nghị định 67 đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn các trường hợp miễn trừ trách nhiệm bồi thường bảo hiểm như: Tổn thất phát sinh do nhà thầu tư vấn cố ý lựa chọn phương pháp thi công, tính toán, đo đạc, thiết kế, sử dụng vật liệu chưa được thử nghiệm; Chi phí thiết kế lại hoặc sửa bản vẽ, kế hoạch, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hoặc danh mục tài liệu hướng dẫn kỹ thuật….

III. Bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường

Tương tự như quy định về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, Nghị định 67 cũng giải thích rõ ràng và cụ thể hơn về các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường bảo hiểm nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà thầu đối với người lao động trên công trường.

Ngoài ra, trong trường hợp giảm số lượng lao động, thay đổi công việc của người lao động làm giảm rủi ro được bảo hiểm, Nghị định 67 bổ sung điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm hoàn trả cho nhà thầu thi công xây dựng phần phí bảo hiểm giảm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm là: đến thời điểm hoàn trả theo quy định hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh khiếu nại hoặc đã phát sinh khiếu nại nhưng không được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm.

IV. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba

Nghị định 67 quy định cụ thể về giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, mức khấu trừ bảo hiểm, nguyên tắc và hồ sơ bồi thường bảo hiểm mà trước đó chưa được làm rõ tại Nghị định 119 và Thông tư 329.

Nghị định 67 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/09/2023./.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi