DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHỆ CAO ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI TƯƠNG TỰ DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO ĐỊA BÀN CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHỆ CAO ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI TƯƠNG TỰ DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO ĐỊA BÀN CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

2024-03-23 12:58:24 755

Nhằm tạo động lực phát triển lớn hơn cho các khu công nghệ cao tại Việt Nam, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 01/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao (“Nghị định 10”) thay thế Nghị định 99/2023/NĐ-CP về quy chế khu công nghệ cao (“Nghị định 99”) với nhiều quy định mang tính định hướng quan trọng như sau:

1. Quy định cụ thể các phương hướng xây dựng, phát triển khu công nghệ cao (“KCNC”)

Nghị định 10 quy định bổ sung đối tượng thuộc KCNC là các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; theo đó, quy định này góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nghị định 10 không chỉ quy định các vấn đề liên quan trực tiếp đến KCNC mà còn quy định một số vấn đề về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ hoạt động của KCNC (được xây dựng bên ngoài ranh giới KCNC) như các công trình giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, cây xanh, công viên, thương mại, dịch vụ, dịch vụ lưu trú và khu nhà ở phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong KCNC. Qua đó có thể thấy, KCNC được Nhà nước định hướng không chỉ trở thành trung tâm nghiên cứu - ứng dụng - phát triển công nghệ cao mà còn trở thành động lực - hạt nhân phát triển kinh tế của một vùng, khu vực.

2. Quy định cụ thể các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào KCNC

2.1. Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng KCNC

Nghị định 10 quy định rõ ràng chính sách của Nhà nước trong việc ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hỗ trợ tín dụng, cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi và các hỗ trợ khác để chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật (trong và ngoài KCNC), hạ tầng xã hội…phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong khu công nghệ cao. Bên cạnh đó, Nghị định 10 cũng tạo cơ chế cho phép sử dụng vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương để triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quy mô lớn, có vai trò then chốt.

2.2. Các dự án đầu tư vào KCNC được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở mức cao theo quy định

Nghị định 10 quy định nguyên tắc KCNC (không phân biệt địa bàn địa lý cụ thể trên thực địa) đều được xác định là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn - đây là các ưu đãi ở mức cao dành cho các dự án đầu tư. Theo quy định hiện hành, mức ưu đãi mà các doanh nghiệp có thể được hưởng bao gồm:

a. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo; được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm.

b. Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện (tương tự như trường hợp trong nước chưa sản xuất được ) nhập khẩu để sản xuất của dự án trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.

c. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản (tối đa không quá 03 năm); miễn tiền thuê đất 15 năm sau thời gian miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản.

3. Quy định chi tiết quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCNC (“Chủ Đầu Tư Hạ Tầng”)

3.1. Liên quan đến quyền của Chủ Đầu Tư Hạ Tầng

Nghị định 10 quy định trên nguyên tắc Chủ Đầu Tư Hạ Tầng chỉ có quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất do mình đầu tư xây dựng (hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng nhà xưởng, văn phòng) mà không có quyền cho thuê lại quyền sử dụng đất, không còn quyền chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Cụ thể hơn, Nghị định 10 quy định hai trường hợp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCNC căn cứ theo nguồn vốn gồm: (+) trường hợp ngân sách nhà nước không đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCNC (Dự Án Không Có Vốn NSNN) và (+) trường hợp ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng một phần hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCNC (“Dự Án Có Vốn NSNN”).

a. Trường hợp Dự Án Có Vốn NSNN, Chủ Đầu Tư Hạ Tầng sẽ được

  • BQL KNC cho thuê đất để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật (“Công trình”) và được cho thuê lại Công trình sau khi đã hoàn thành (đối với phần đất sử dụng công cộng và phần diện tích hạ tầng kỹ thuật);
  • BQL KNC bàn giao đất để đầu tư xây dựng Công trình, tài sản gắn liền với đất; được cho thuê lại Công trình sau khi đã hoàn thành xây dựng (đối với diện tích phục vụ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh). Trường hợp này, Chủ Đầu Tư Hạ Tầng phải bàn giao lại đất cho BQL KNC sau khi hoàn thành xây dựng.

b. Trường hợp Dự Án Không Có Vốn NSNN

Chủ Đầu Tư Hạ Tầng sẽ được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư công trình/tài sản gắn liền với đất để cho thuê lại sau khi đã hoàn thành xây dựng.

3.2. Liên quan đến nghĩa vụ của Chủ Đầu Tư Hạ Tầng

Nghị định 10 cũng quy định nghĩa vụ của Chủ Đầu Tư Hạ Tầng, ngoài việc đáp ứng các điều kiện về kinh doanh bất động sản, đất đai (điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất… để thực hiện dự án), còn phải đáp ứng các điều kiện đáng chú ý gồm:

  • Đăng ký và cam kết ngành nghề, loại hình dự án đầu tư thu hút vào khu công nghệ cao căn cứ theo phương hướng phát triển khu công nghệ cao đã được phê duyệt theo Quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao của Thủ tướng Chính phủ;
  • Cam kết thu hút các dự án đầu tư hiện hoạt động công nghệ cao đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí quy định;
  • Xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đối với các dự án đầu tư, tình hình thực hiện cam kết đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đối với các dự án đầu tư.

Theo đó, Nghị định 10 nâng cao trách nhiệm của Chủ Đầu Tư Hạ Tầng trong việc đảm bảo thu hút các dự án công nghệ cao đầu tư vào KCNC.

4. Quy định chi tiết quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong KCNC (“Nhà Đầu Tư”)

Nghị định 10 yêu cầu các dự án đầu tư thực hiện hoạt động công nghệ cao không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Nhà Đầu Tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị xác nhận dự án đầu tư đáp ứng nguyên tắc hoạt động công nghệ cao. Theo đó, nguyên tắc hoạt động công nghệ cao áp dụng đối với dự án đầu tư thực hiện trong KCNC gồm:

  • Mục tiêu và nội dung hoạt động của dự án đầu tư phù hợp với nhiệm vụ của KCNC.
  • Áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
  • Phù hợp với quy hoạch, khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu công nghệ cao và các quy định của pháp luật liên quan.
  • Nhà Đầu Tư đề xuất dự án đầu tư có khả năng tài chính hoặc huy động nguồn lực hợp pháp khác để đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành dự án; có năng lực công nghệ, năng lực quản lý, đảm bảo việc xây dựng, triển khai dự án đầu tư theo đúng tiến độ, kế hoạch.
  • Ưu tiên các dự án đầu tư có suất vốn đầu tư (chi phí đầu tư dự án tính trên một đơn vị diện tích đất) cao hơn suất vốn đầu tư trung bình trong phân khu chức năng đó.
  • Đáp ứng các tiêu chí tương ứng đối với từng loại hình quy định.

Nhà Đầu Tư cần lưu ý rằng, cam kết thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí của Nhà Đầu Tư được ghi tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất/Quyết định cho thuê đất/Hợp đồng thuê đất (cho thuê lại đất) hoặc văn bản xác nhận dự án đầu tư đáp ứng nguyên tắc hoạt động công nghệ cao. Trường hợp Nhà Đầu Tư không đáp ứng được các cam kết đã được quy định, Nhà Đầu Tư sẽ phải chịu các chế tài xử lý gồm:

  • Không được áp dụng ưu đãi đầu tư,
  • Ngừng hoặc ngừng một phần, chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án nếu sau thời hạn 01 năm hoặc theo thời hạn quy định tại quyết định ngừng hoạt động nhà đầu tư không khắc phục được vi phạm theo quy định của Luật Đầu tưvà quy định của pháp luật có liên quan.

5. Những ưu đãi dành riêng cho người lao động tại KCNC

Nghị định 10 quy định một số những ưu đãi sau đây dành riêng cho người lao động làm việc tại KCNC:

  • Được thuê, mua, thuê mua nhà ở, cơ sở lưu trú phục vụ người lao động trong KCNC.
  • Khi thành lập KCNC, phải có phương án khả thi xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng liền kề hoặc xung quanh KCNC để đảm bảo phục vụ đời sống chuyên gia, người lao động làm việc trong KCNC.
  • Ngân sách nhà nước được phép sử dụng để xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào KCNC nhằm phục vụ người lao động làm việc trong KCNC.
  • Đối với người lao động là người nước ngoài, Nghị định 10 quy định cơ chế cho phép nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động và thành viên gia đình (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi sống cùng người đó), là người nước ngoài được xem xét cấp thị thực nhập cảnh có giá trị sử dụng nhiều lần và thời hạn phù hợp với thời gian làm việc trực tiếp tại KCNC (mà không quy định thời hạn tối đa nhập cảnh).

Quy định này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động yên tâm lao động, làm việc tại các KCNC, qua đó góp phần thu hút đội ngũ nhân tài, lao động có trình độ cao vào làm việc tại các KCNC.

Nghị định 10 có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2024./.

Bình luận:

Từ khóa:  nghị định 10

,  

khu công nghệ cao

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi