DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHĂN CÓ THỂ ĐƯỢC LÙI THỜI HẠN TRẢ NỢ TỐI ĐA 12 THÁNG

DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHĂN CÓ THỂ ĐƯỢC LÙI THỜI HẠN TRẢ NỢ TỐI ĐA 12 THÁNG

2023-04-28 14:16:16 1197

Ngày 23/04/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (“Thông tư 02”) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (“TCTD”) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân (“khách hàng”) gặp khó khăn.

1. Đối tượng và chủ thể được cơ cấu lại thời hạn trả nợ

  1. Đối tượng: Số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ.
  2. Chủ thể: Khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

2. Điều kiện để cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ không mang tính bắt buộc đối với TCTD mà TCTD có quyền thực hiện việc xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi các điều kiện sau đây đáp ứng đầy đủ.

Tiêu chí

Điều kiện cụ thể

Đối với khách hàng

Có đề nghị của khách hàng.

Được TCTD đánh giá không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.

Được TCTD đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Đối với TCTD

TCTD có khả năng tài chính thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thời gian thực hiện: Từ ngày 24/04/2023 đến hết ngày 30/06/2024.

Đối với khoản nợ

Dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24/04/2023 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 24/04/2023 đến hết ngày 30/6/2024.

Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.

Khoản nợ không thuộc trường hợp vi phạm quy định pháp luật.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

3. Giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Việc phân loại nợ được thực hiện như sau:

  1. Đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (“Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ”) theo quy định tại Thông tư 02: TCTD được giữ nguyên nhóm nợ của khoản nợ đó như nhóm nợ đã được phân loại tại thời điểm gần nhất.
  2. Đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mà khoản nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại: TCTD không điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
  3. Đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mà khoản nợ đã quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ: TCTD thực hiện phân loại nợ theo quy định.

Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 02.

Thông tư 02 có hiệu lực kể từ ngày 24/04/2023.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi