ĐƠN GIẢN HOÁ ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC TRONG QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÉP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

ĐƠN GIẢN HOÁ ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC TRONG QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÉP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

2023-09-22 17:45:59 1204

Ngày 18/09/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP (“Nghị định 70”) sửa đổi một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP (“Nghị định 152”) về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo ATA đánh giá, so với Nghị định 152, các quy định tại Nghị định 70 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục để tuyển dụng người lao động nước ngoài làm việc, cụ thể như sau:

1. Đơn giản các điều kiện xin cấp phép cho người lao động nước ngoài

Theo Nghị định 70, chuyên gia, lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài chỉ cần có bằng đại học trở lên và ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc đảm nhận tại Việt Nam (người nước ngoài có thể chỉ cần làm việc trong chuyên ngành tương tự hoặc có tính bổ trợ mà không phải đúng chuyên ngành đào tạo) là đáp ứng một trong các điều kiện cấp phép. Trước đó, điều kiện này chặt chẽ hơn khi yêu cầu kinh nghiệm 3 năm làm việc của người lao động nước ngoài phải trong đúng chuyên ngành được đào tạo.

Trước đây, trong thời gian đại dịch Covid-19, các quy định tương tự trên đã được áp dụng theo Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; với những tác động tích cực từ quy định tại Nghị quyết 105, Chính phủ đã chính thức đưa nội dung này vào Nghị định 70.

2. Đơn giản các thủ tục khi xin cấp giấy phép lao động

- Rút ngắn thời hạn phải giải trình nhu cầu hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài trước khi chính thức sử dụng từ 30 ngày xuống còn 15 ngày.

- Bãi bỏ một số tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp phép lao động, cụ thể:

  • Phiếu lý lịch tư pháp và văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật trong trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đã được gia hạn một lần mà có nhu cầu tiếp tục làm việc với cùng vị trí công việc và chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động.

Liên quan đến giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, Nghị định 70 giải thích rõ các giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành bao gồm 3 loại giấy tờ sau: Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận thành lập hoặc quyết định thành lập hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương; Nghị quyết hoặc Quyết định bổ nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, theo Nghị định 70 giám đốc điều hành không chỉ là người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh (các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp) mà còn là người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

  • Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trong trường hợp đề nghị cấp lại giấy phép lao động.

3. Tập trung đầu mối thẩm quyền quản lý, cấp phép đối với người lao động nước ngoài ở Việt Nam

Thay vì phân bổ thẩm quyền quản lý, cấp phép cho nhiều cơ quan khác nhau như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý khu công nghiệp khu kinh tế, Nghị định 70 tập trung thẩm quyền quản lý và cấp phép vào đầu mối là các cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý nhà nước về lao động là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cụ thể:

- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền chấp thuận việc sử dụng người lao động nước ngoài và cấp phép lao động đối với người lao động nước ngoài trong trường hợp sau đây:

  • Người lao động làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Người lao động làm việc cho người sử dụng lao động là Tổ chức quốc tế, văn phòng của dự án nước ngoài tại Việt Nam; các cơ quan, tổ chức, văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức (bao gồm cả tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức sự nghiệp, cơ sở giáo dục) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho phép thành lập.

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền chấp thuận việc sử dụng người lao động nước ngoài và cấp phép lao động đối với người lao động nước ngoài trong trường hợp sau đây:

  • Người lao động nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Người lao động làm việc cho người sử dụng lao động là doanh nghiệp, nhà thầu, văn phòng điều hành của nhà đầu tư hoặc nhà thầu nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các cơ quan, tổ chức do UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện thành lập.

Các quy định trên giúp việc cấp phép và quản lý được tập trung đầu mối, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định 70 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/09/2023. Đối với báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động mà người sử dụng lao động nước ngoài đã nộp cho các cơ quan có thẩm quyền trước ngày 18/09/2023 thì áp dụng theo quy định có liên quan.

Bình luận:

Từ khóa:  chuyên gia

,  

lao động kỹ thuật

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi